(VnMedia) - Người vợ gốc Anh của Tổng thống Syria Bashar Assad có thể sẽ bị tước quốc tịch Anh vì đã lên mạng xã hội cáo buộc các nước phương Tây nói dối về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học xảy ra hôm 4/4 ở tỉnh Idlib của Syria.
Tờ Sunday Times đưa tin, các nghị sĩ Anh đã đề xuất tước bỏ quốc tịch Anh của bà Asma Assad sau khi bà đăng tải lên mạng xã hội lời cáo buộc về việc báo chí phương Tây nói dối và tuyên truyền sai. Bà Asma vốn là người đến từ phía tây thủ đô London.
“Đã đến lúc chúng ta phải truy đuổi Tổng thống Assad bằng mọi cách, trong đó có cả việc nhằm vào những người như vợ của ông ta. Bà này đã đóng góp một phần rất lớn vào bộ máy tuyên truyền đang mắc nhiều tội ác chiến tranh của Syria”, ông Nadhim Zahawi – một nghị sĩ bảo thủ thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Anh, cho biết.
Các nghị sĩ Anh đang có kế hoạch trình thư lên Văn phòng Nội vụ chính thức đề xuất xem xét vấn đề tước bỏ quốc tịch Anh của Đệ nhất phu nhân Syria.
"Nếu bà Asma còn tiếp tục bảo vệ những hành động giết người của chính quyền Assad thì chính phủ Anh phải có trách nhiệm tước bỏ quốc tịch Anh của bà này”, bức thư nói trên nhấn mạnh.
Giới nghị sĩ Anh được cho là sẽ thúc đẩy việc tiến hành tranh luận về vấn đề xem xét quốc tịch của bà Asma Assad vào tuần tới trong cuộc họp của Quốc hội.
Vấn đề trên được đưa ra sau khi đệ nhất phu nhân Syria đăng tải lên mạng xã hội một bức ảnh kèm theo nội dung: “Tổng thống nước Cộng hòa Ả-rập Syria khẳng định những gì Mỹ đã làm là một hành động vô trách nhiệm, chỉ phản ánh tầm nhìn hạn hẹp, sự mù quáng về chính trị và quân sự cũng như theo đuổi một chiến dịch tuyên truyền điên cuồng, sai trái”. Những lời bình luận này được bà Asma đưa ra sau khi Mỹ tiến hành dội tên lửa vào một căn cứ không quân của Syria khiến 14 người thiệt mạng, trong đó có 9 dân thường.
Bà Asma Assad hiện đang có hai quốc tịch Anh và Syria.
Bà Asma luôn giữ mình lặng lẽ, tránh xa giới truyền thông |
Hôm 7/4, Mỹ đã phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào một căn cứ không quân của Syria, nói rằng đó là đòn trả đũa cho vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào tỉnh Idlib. Phương Tây cáo buộc chính quyền của Tổng thống Assad đã gây ra cuộc tấn công này. Damascus bác bỏ mọi cáo buộc liên quan đến cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học.
Tài khoản mạng xã hội trên Instagram, Facebook và Telegram của đệ nhất phu nhân Syria có khoảng 500.000 người theo dõi.
Bà Asma Assad vốn đang là đối tượng chịu các biện pháp trừng phạt của Liên minh Châu Âu (EU). Theo đó, bà bị cấm đến các nước thành viên EU ngoại trừ Anh.
Đề xuất tước quốc tịch của bà Asma được các nghị sĩ Anh đưa ra dựa trên Luật Quốc tịch Anh. Luật này cho phép tước quốc tịch của một công dân trong trường hợp người đó gây đe dọa đến “ích lợi công cộng”. Điều khoản này có hiệu lực từ tháng 6/2006 và chỉ được áp dụng với những người có 2 quốc tịch bởi một công dân không thể ở trong tình trạng không thuộc nước nào.
Có khoảng 40 trường hợp bị tước quốc tịch Anh theo luật trên kể từ năm 2010, chủ yếu là nhằm vào những nghi phạm khủng bố.
Bà Asma Assad hầu như tránh truyền thông quốc tế kể từ khi làn sóng biểu tình dậy sóng ở Syria vào mùa xuân năm 2011. Tuy nhiên, bà lại rất tích cực trong việc thể hiện sự ủng hộ dành cho các gia đình quân nhân thiệt mạng hay bị thương trong cuộc chiến tranh. Bà dường như xuất hiện thường xuyên trong các bệnh viện hay các lễ tang.
Cuộc nội chiến ở Syria đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người và làm một nửa trong số 23 triệu dân Syria mất nhà cửa.
Đệ nhất phu nhân Asma cho rằng, tất cả mọi người ở Syria đều gặp nguy hiểm vì chiến tranh nhưng bà khẳng định “tôi không muốn sống trong sợ hãi”. Phu nhân của Tổng thống Syria Bashar Assad tiết lộ hồi tháng 10 năm ngoái rằng, bà đã từng từ chối lời đề nghị chạy khỏi đất nước để đổi lấy sự an toàn cũng như đảm bảo an ninh tài chính cho bà và các con. Theo lời bà Asma, những lời đề nghị “ngu xuẩn” như vậy là nhằm để phá hoại niềm tin của người dân vào chồng bà - Tổng thống Assad.
Bà Asma từng bày tỏ sự biết ơn đối với Nga. Bà nói rằng, sự giúp đỡ từ những người bạn của Damascus như Nga là vô giá và nó đã giúp làm dịu nỗi đau của người dân Syria vì cuộc xung đột cũng như các biện pháp trừng phạt.
Kiệt Linh (theo RT)
Ý kiến bạn đọc