(VnMedia) - Hải quân Mỹ đang chuẩn bị tiến hành các cuộc thử nghiệm “ độ sốc” đối với siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Ford đầu tiên để đánh giá khả năng chịu đựng của tàu trước hỏa lực mạnh của đối phương.
Các quan chức Lầu Năm Góc, thử nghiệm này có thể bao gồm việc kích nổ những quả thủy lôi nặng từ 1,5 tấn đến 3 tấn dưới nước tạo những đợt sóng dữ dội mà tàu có thể trải qua trong quá trình triển khai.
Những vụ nổ này sẽ cung cấp dữ liệu cho các kỹ sư hải quân và nhà thiết kế tàu để phân tích chúng có tác động như thế nào đối với vỏ, các hệ thống, vũ khí và công nghệ khác của tàu sân bay USS Ford.
“Việc thử nghiệm các hệ thống sẽ tiếp tục được tiến hành”, phát ngôn viên hải quân Mỹ William Couch cho biết.
Kết quả của các đợt thử nghiệm sốc này là minh chứng để xác định xem tàu có sẵn sàng cho các cuộc thử nghiệm nghiệm thu, giai đoạn cuối cùng trước khi bàn giao của hải quân Mỹ hay không. Siêu tàu sân bay Gerald R. Ford (CVN-78) là chiếc đầu tiên của thế hệ tàu sân bay tiếp theo của Hải quân Mỹ.
Lớp tàu sân bay này được đặt theo tên của cố Tổng thống thứ 38 của Mỹ, Gerald Ford.
Về cơ bản, thiết kế tổng thể của tàu sân bay lớp này trông khá giống các tàu sân bay lớp Nimitz hiện đang hoạt động nhưng sàn đáp của USS Gerald Ford cao hơn nhiều so với Nimitz. Tàu sân bay này được chế tạo với đích trở thành tàu sân bay lớn nhất, mạnh nhất thế giới.
Tàu Gerald R. Ford được trang bị các hệ thống và công nghệ tiên tiến đáp ứng yêu cầu hoạt động của các máy bay hiện tại, bao gồm hệ thống phóng máy bay sử dụng máy phóng điện từ, hệ thống vũ khí cải tiến, đường băng dài cho phép tăng tần xuất xuất kích của máy bay lên rất nhiều lần. Bên cạnh đó, con tàu cũng sẽ được trang bị những công nghệ tiên tiến trong tương lai, nâng cao khả năng tự động hóa, giảm yếu tố con người trong quá trình vận hành.
Tàu USS Gerald R. Ford có chiều dài khoảng 340 m và có lượng giãn nước khoảng gần 2 vạn tấn, chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tàu có khả năng chở tới 90 máy bay các loại bao gồm: tiêm kích F-35C, F/A-18E/F, máy bay cảnh báo sớm E-2D, máy bay tấn công điện tử EA-18G, trực thăng MH-60R/S và có thể là cả máy bay không người lái trinh sát/chiến đấu.
Tính đa dạng trong tác chiến của hàng không mẫu hạm sử dụng máy phóng điện từ này chính là khả năng bảo đảm hoạt động bình thường cho tất cả các loại máy bay mà nó mang theo. Máy phóng sử dụng hệ thống động lực điện từ có tính năng ưu việt, dễ dàng kiểm soát chính xác lượng điện phát ra, có thể dễ dàng phóng luân phiên hoặc xem kẽ các loại máy bay không người lái và có người lái với trọng lượng cất cánh từ vài tấn đến vài chục tấn mà chỉ cần thay đổi một vài tham số điều khiển.
Về hỏa lực vũ khí phòng vệ, USS Gerald R. Ford (CVN-78) sẽ trang bị tên lửa phòng không RIM-116 và các tổ hợp pháo phòng không cao tốc Phalanx 20mm.
Con tàu sẽ được vận hành bởi đội ngũ thủy thủ đoàn và phi hành đoàn 4.660 người (ít hơn so với lớp tàu Nimitz). USS Gerald R. Ford và các tàu anh em của nó sau này sẽ tiếp tục giúp nước Mỹ giữ được ưu thế trên các vùng biển.
USS Gerald R. Ford dự kiến sẽ thay thế cho tàu USS Enterprise.
Đan Khanh (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc