(VnMedia) - Năm 2016 đã chứng kiến điểm sáng từ các chính sách cũng như các động thái phát triển tích cực cùng sự ra mắt hàng loạt dịch vụ, sản phẩm mới của các doanh nghiệp, ghi dấu ấn trên thị trường viễn thông Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có điểm mờ đã được sớm phát hiện và khắc phục. Dưới đây là những sự kiện viễn thông nổi bật nhất theo đánh giá của Báo điện tử VnMedia.
1. Các nhà mạng cùng ký cam kết thu hồi sim kích hoạt sẵn. Chiều 28/10, 5 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone, GTel Mobile và Vietnamobile đã cùng nhau ký cam kết với Bộ TT&TT về việc thu hồi SIM kích hoạt sẵn trên các kênh phân phối. Bộ TT&TT đã trực tiếp kiểm tra đồng thời việc khóa SIM kích hoạt sẵn tại VNPT, Viettel, MobiFone. Sau đó, lần đầu tiên, 5 doanh nghiệp viễn thông đã cùng cử các cán bộ kỹ thuật để thực hiện giám sát, kiểm tra chéo việc khóa SIM của nhau để đảm bảo công bằng, khách quan. Tổng cộng đã có hơn 15 triệu SIM kích hoạt sẵn được các nhà mạng khóa và thu hồi. Việc các nhà mạng thu hồi hơn 15 triệu SIM kích hoạt sẵn cho thấy động thái quyết tâm của Bộ TT&TT trong việc xử lý thực trạng Sim trả trước đăng ký sai thông tin thuê bao. Bộ TT&TT cũng khẳng định công tác thu hồi SIM đăng ký sai quy định sẽ được tiến hành thường xuyên để xử lý triệt để vấn nạn SIM rác, tin nhắn rác. |
2. Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đổi mã vùng điện thoại cố định. Ngày 22/11, sau gần 2 năm ban hành Quy hoạch đầu số mới, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố lộ trình chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Việc chuyển đổi sẽ được thực hiện thành 3 giai đoạn, bắt đầu từ ngày 11/2/2017. Theo Bộ TT&TT, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là việc bình thường và cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, cũng nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường, công nghệ… trong từng thời kỳ. Việc chuyển đổi mã vùng cũng sẽ có ảnh hưởng nhất định đối với người dùng trong một thời gian ngắn, một số tổ chức, cá nhân cũng chịu sự tác động là có thể phải làm lại các sản phẩm có gắn với mã vùng ví dụ như card visit, bao bì, biển quảng cáo, phải sửa đổi lại mã vùng cho các số đã lưu trên điện thoại di động… Tuy nhiên, phía cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp viễn thông khẳng định sẽ triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến khách hàng. |
3. VinaPhone là nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp 4G. Năm 2016, Bộ TT&TT đã cấp phép 4G cho VNPT, Viettel, MobiFone và Gtel được cấp phép 4G trên băng tần 1800 MHz. Ngày 28/10, VNPT đã chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G trên băng tần 1800 Mhz. VNPT là đơn vị đầu tiên được trao giấy phép 4G tại thị trường Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn đánh giá, sự kiện này là dấu mốc quan trọng của thị trường viễn thông Việt Nam nói chung và của VNPT nói riêng. Sau đúng 5 ngày nhận giấy phép, VNPT đã chính thức khai trương cung cấp dịch vụ 4G tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang. VinaPhone đã là nhà mạng đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam. Ngay tại sự kiện khai trương, VinaPhone cung cấp thiết bị kiểm tra tốc độ cho toàn bộ khách mời nhằm kiểm chứng sự vượt trội của 4G so với 3G. Tốc độ truy cập Internet trung bình thực tế đạt từ 40 - 80Mbps, cao gấp 7-10 lần so với tốc độ trung bình của 3G hiện nay. Tốc độ 4G tối đa của VNPT có thể đạt tới 300Mbps. |
4. Ra mắt dịch vụ vệ tinh VinaPhone - S. Sáng ngày 4/8 tại Hà Nội, lễ khai trương dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone - S đã được diễn ra tại trụ sở của VNPT với sự tham dự của Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Dịch vụ di động vệ tinh VinaPhone-S đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc của mọi đối tượng, mọi lúc mọi nơi, trong mọi điều kiện địa lý, thời tiết. Không chỉ đảm bảo liên lạc thuận lợi, đơn giản ở mọi vị trí, mọi địa hình với vùng bao phủ trải rộng trên 140 quốc gia trải rộng từ Châu Âu, Bắc và Trung Phi, Trung Đông, Trung Á, các tiểu lục địa Ấn Độ, vùng Viễn Đông, Australia, VinaPhone-S còn rất thuận tiện trong việc sử dụng. Chỉ cần trang bị thiết bị đầu cuối, sim VinaPhone và đăng ký là thuê bao có thể sử dụng dịch vụ luôn. Đặc biệt, chi phí liên lạc quốc tế chỉ bằng một nửa so với cước dịch vụ điện thoại vệ tinh hiện nay. Do sử dụng công nghệ vệ tinh nên hoạt động liên lạc không bị phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và điều kiện thời tiết, đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống thiên tai bão lũ, đúng như thông điệp của dịch vụ: “VinaPhone S - Vượt mọi giới hạn, kết nối thành công”. Sở hữu hai vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2 chính là nền tảng để VNPT tự tin đảm bảo chất lượng dịch vụ. |
5. Phát hiện công ty Sam Media "móc túi" 230 tỷ đồng thuê bao di động tại Việt Nam. Đây là “điểm mờ” gây ảnh hưởng lớn tới khách hàng di động Việt của ba nhà mạng lớn trong năm 2016 này. Tháng 9/2016, Thanh tra Sở TT&TT Hà Nội đã phát hiện, từ tháng 1/2013 đến tháng 3/2016, nhiều khách hàng của Viettel, MobiFone, VinaPhone, Vietnamobile do không biết mình đang dùng dịch vụ của Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp nên đã bị mất số tiền gần 230,5 tỷ đồng. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ tại thời điểm ngày 19/7/2016 là 93.735 khách hàng, trong đó có nhiều khách hàng khi được hỏi đều không biết mình đang sử dụng dịch vụ bị trừ tiền do Sam Media hợp tác với 3 công ty Việt Nam cung cấp và cho rằng các tin nhắn gửi từ các đầu số đến máy điện thoại của họ hàng ngày là các tin rác, không biết đây là các tin nhắn dịch vụ mất tiền. Sau vụ việc này, nhiều thuê bao của các nhà mạng đã kiểm tra tài khoản của mình và phát hiện họ bị ngấm ngầm "móc túi" mà không biết. Ngay sau đó, các nhà mạng cũng đã tuyên bố cắt hợp đồng với các đối tác của Sam Media đồng thời ra soát và cắt hàng loạt các đối tác cung cấp nội dung "móc túi" khách hàng. |
Phạm Lê
Ý kiến bạn đọc