"Cắt lớp" tàu sân bay tối tân nhất của Mỹ

09:00, 27/01/2017
|

(VnMedia) - Đến năm 2020, Mỹ sẽ có khoảng 150 tàu chiến được triển khai ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó sẽ có sự góp mặt của siêu tàu sân bay mới USS Gerald R.Ford cực tối tân.

Con tàu này sẽ ra nhập đội 6 tàu chiến trong số 11 tàu chiến hùng hậu nhất của Mỹ đang triển khai ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thay thế tàu USS Enterprise sẽ nghĩ hưu trong năm nay. Vậy chiếc siêu tàu chiến thuộc lớp này có sức mạnh thực sự ra sao?

Siêu tàu sân bay đắt tiền nhất

Theo ước tính, để phát triển siêu tàu sân bay lớp USS Gerald R.Ford thì Mỹ phải bỏ ra khoản chi phí cho đến lúc hoàn tất lên tới 11,5 tỷ USD. Với mức chi phí trên, loại tàu thuộc lớp này sẽ trở thành loại vũ khí đắt nhất do Mỹ phát triển từ trước tới nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chi phí hoàn thành con tàu này trên thực tế có thể cao hơn mức dự kiến tới 1,1 tỷ USD. Theo đó, tàu USS Gerald R.Ford đắt hơn nhiều so với tàu chiến đắt giá nhất hiện thời của Mỹ.

Thông tin về việc chi phí đóng tàu có thể sẽ tăng vọt được ghi nhận hồi tháng 8/2011 khi các nhà phân tích nhận định trong trường hợp quá trình đóng tàu không thuận lợi, chi phí bỏ ra sẽ có thể tăng 21% so với dự trù kinh phí ban đầu.

Thay thế tàu sân bay lớp Nimitz

Hiện tàu này đang được Tập đoàn Northrop Grumman tiến hành lắp đặt tại Newport News, Virginia, Mỹ. Theo kế hoạch, đến năm 2058, hải quân Mỹ sẽ đóng 10 tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân CVN thuộc lớp Gerald R. Ford này để thay thế cho các tàu thuộc lớp Nimitz.

Được biết, từ tháng 7/2003, Mỹ đã xúc tiến chế tạo hai chiếc CVN-78 và CVN-79 thuộc lớp này. Đến nay, các cơ quan chủ quản đã cơ bản hoàn thành phần vỏ tàu CVN-78 và con tàu này sẽ thay thế cho tàu USS Enterprise (CVN 65) vào năm 2015. Chiếc thứ hai (CVN-79) sẽ bắt đầu được xúc tiến vào cuối năm 2012 này và sẽ đưa vào hoạt động năm 2019.





Nhiều tính năng vượt trội

Tàu sân bay này sử dụng những vật liệu có độ bền cao với sự thay đổi các cấu trúc bên trong, trang bị lớp giáp mới, nâng cao khả năng phòng hộ nên tàu có sức chống đỡ các cuộc tiến công của tàu mặt nước và tàu ngầm của đối phương rất cao.

Chiếc USS Gerald Ford sẽ được tích hợp nhiều công nghệ mới, ví dụ có bộ hãm hiện đại dùng để giữ máy bay khi nó đậu trên boong.

Các tàu sân bay lớp Gerald R Ford được thiết kế có độ choán nước 100.000 tấn, được thiết kế giống như tàu sân bay USS George HW Bush (CVN 77) lớp Nimitz trước đó. Tuy nhiên, tàu được trang bị hệ thống ứng dụng tự động hoá giúp giảm số lượng thành viên thuỷ thủ đoàn. Tính năng đó giúp tàu có thể cắt giảm được khoảng 30% nhân công phục vụ trên boong so với tàu lớp Nimitz cần tới 500-600 quân nhân phục vụ.

Sàn sân bay được thiết kế khác hẳn so với phiên bản của lớp Nimitz, trong đó có nhiều phần được thay đổi như hệ thống chuyển giao máy bay, khoang chứa và khu vực chờ cất cánh của máy bay sẽ được đưa về phía sườn tàu. Tàu được trang bị một hệ thống phóng máy bay hiện đại.

Một điều khác biệt và khá quan trọng so với các tàu thuộc lớp trước nó là, với boong tàu rộng, tàu có thể cho phép thực hiện được khoảng 160 phi vụ xuất kích cho các máy bay mỗi ngày, nhiều hơn lớp Nimitz 20 lần.

Tàu sân bay USS Gerald R.Ford còn một lò phản ứng hạt nhân mới để tạo ra nhiều điện năng, có khả năng làm bệ phóng cho các máy bay F/A-18E/F Super Hornet, EA-18G Growler, và the F-35C Lightning II. Tên lửa Raytheon's RIM-162 Evolved Sea Sparrow sẽ được dùng để bảo vệ tàu sân bay Ford khỏi các cuộc tấn công của tên lửa và máy bay.

Tàu có độ ổn định cao và có tuổi thọ phục vụ trên 50 năm, được trang bị các hệ thống phục vụ có khả năng phối hợp và tổ chức các hoạt động tác chiến khá linh động.

Hải quân Mỹ hy vọng, siêu tàu sân bay mới với ít người hơn, thiết bị hiện đại nhất sẽ giúp giảm chi phí triển khai tàu sân bay trong tương lai trong khi lại tăng cường được những chuyến bay xuất phát từ "đảo nổi" này.

Ngày 911/2013, tại cảng Newport News, bang Virginia, hải quân Mỹ tổ chức lễ hạ thủy siêu tàu sân bay và đặt tên chính thức USS Gerald R. Ford (CVN-78).

Tàu sân bay này đã bắt đầu chạy thử nghiệm trên biển vào năm 2015. Và theo kế hoạch, tàu sẽ chính thức hoạt động từ năm 2016, tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn do một số vấn đề nảy sinh trong quá trình thử nghiệm.

Đan Khanh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc