Hơi nước đã được tìm thấy trong bầu khí quyển của một hành tinh nằm bên ngoài hệ Mặt trời, cách Trái Đất 110 năm ánh sáng.
Theo báo cáo khoa học của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học College London công bố mới đây trên tạp chí Nature Astronomy, bầu khí quyển bao quanh hành tinh K2-18b có dấu hiệu tồn tại của nước ở dạng lỏng. Hành tinh này có khối lượng nặng gấp 8 lần và to gấp đôi Trái đất.
K2-18b được xếp vào nhóm siêu Trái Đất - nhóm những hành tinh có kích thước lớn hơn Trái đất nhưng nhỏ hơn Hải vương tinh.
Trước đó, hành tinh này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2015 bởi tàu vũ trụ Kepler của NASA. Trong số hơn 4.000 hành tinh đã được phát hiện cho tới nay, đây là hành tinh ngoài hệ Mặt trời duy nhất có nước, có nhiệt độ cần thiết cho sự sống và một bề mặt nhiều đá.
Angelos Tsiara, nhà thiên văn học thuộc Đại học College London, cho biết việc tìm thấy dấu vết của nước bao quanh một hành tinh khác không phải Trái đất là một phát hiện thú vị.
Hiện nhóm nghiên cứu vẫn đang tập trung vào việc xác định các hành tinh ngoài hệ Mặt trời với các điều kiện tương tự như Trái đất, nhưng điều này không phải là để tìm một nơi mà chúng ta có thể đến sinh sống trong tương lai. Xoay quanh vấn đề này vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu.
K2-18b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ trong chòm sao Leo. Trong khi ánh sáng từ Mặt trời đến Trái đất chỉ mất vài phút thì ánh sáng từ K2-18b phải mất 1 thế kỷ mới đến được Trái đất.
Dù chưa thể khẳng định hành tinh này có phải là một “phiên bản” của Trái đất hay không, nhưng phát hiện này đã đưa loài người tiến gần hơn tới việc giải đáp câu hỏi "Trái đất này có phải là duy nhất trong vũ trụ?".
(theo Vietnamnet)