Ngay khi bước lên máy bay của hãng hàng không Royal Brunei, tôi đã như lạc vào một thế giới khác, mặc dù những cánh quạt khổng lồ vẫn im lặng chờ đợi giữa sân bay Tân Sơn Nhất.
Các cô chiêu đãi viên choàng khăn voan trắng cực kỳ lộng lẫy đang vội vã đi lại dọc khoang hành khách. Bất ngờ hơn nữa là sau khi tôi đã yên vị cài dây lưng an toàn thì màn hình tự động bật ra, một dòng chữ xuất hiện: Travel Pray (Lời cầu nguyện trước chuyến đi xa) cùng những lời rì rầm nổi lên cầu xin đức Allah phù hộ cho sức khỏe và sự an toàn.
Những hành khách người Hồi giáo cúi đầu lặng lẽ, đưa hai bàn tay lên trước làm dấu hiệu cầu thánh. Khi máy bay cất cánh, chao nghiêng một vòng trên đô thị Sài Gòn đầy ánh đèn rực rỡ, tôi lắp tai nghe và bật những kênh ca nhạc có sẵn, lập tức không gian tràn ngập những bài thánh ca ngân nga. Những quãng ngân ấy kéo dài đến khi máy bay đã rơi vào vùng mây dày đặc. Một chuyến bay huyền bí, mà điểm đến của nó là Vương quốc Hồi giáo Brunei Darussalam.
Đất nước Hồi giáo và những nguyên tắc
Trước khi sang xứ này, tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần để bước vào lãnh địa đầy khe khắt của những người Hồi giáo. Nhìn trên bản đồ, Brunei Darussalam chỉ là một cái chấm, to hơn TP.HCM tí chút, vậy mà rất lắm nguyên tắc, quy định. Ngay trước khi máy bay vừa chuẩn bị hạ cánh sau tiếng rưỡi vượt biển, trên màn hình đã phát đi những hình ảnh về quốc gia Brunei với lời dẫn về danh lam thắng cảnh, văn hóa, shopping, giờ mở cửa nhà băng và đặc biệt là các quy định chung của chính phủ.
Người Brunei không uống đồ có cồn nên bia rượu bị cấm kinh doanh, thuốc lá hạn chế hút nơi công cộng, ma túy, mại dâm, sòng bạc tuyệt nhiên không có, bar, sàn nhảy không, điện ảnh không, thời trang không, âm nhạc, văn học không phát triển, cả đất nước có 3 tờ báo (2 tờ tiếng Anh và một tờ tiếng Malay) và 3 kênh truyền hình, nam nữ không được thể hiện âu yếm nơi công cộng, đàn ông Brunei tuyệt đối không bao giờ chớt nhả với phụ nữ, tiệc công cộng nam nữ không được ngồi chung bàn. Mới nói đùa rằng gia đình nào có chồng/vợ đi công tác dài ngày ở Brunei thì yên tâm lắm, vì có khác nào đi tu, đi về hầu bao còn nguyên vẹn vì đâu có hạng mục nào cần đến tiền ngoài ăn uống.
Brunei là một quốc gia có diện tích vỏn vẹn 5.765km2, nằm trọn trên đảo Borneo và bao quanh một nửa là biển, một nửa là đường biên giới với nước láng giềng Malaysia. 70% diện tích Brunei là rừng, nên nhìn đâu cũng thấy màu xanh mướt trải dài khắp thành phố, làng mạc. Đứng đầu nhà nước Hồi giáo là Sultan (quốc vương của người Hồi), mà hiện giờ là triều đại của Sultan Hassanal Bolkiah.
Brunei không hề có thể chế luật pháp theo bầu cử. Tháng 9 năm 2004, nhà vua triệu tập một Nghị viện chỉ định và nghị viện này không hề nhóm họp kể từ khi Brunei giành lại độc lập (năm 1984). Brunei chỉ có 4 vùng (4 quận) là Brunei và Muara, Belait, Temburong, Tutong. Thành thử chỉ trong vài ngày là một khách nước ngoài như tôi có thể đi dọc ngang hết đất nước. 97% dân số Brunei sống ở vùng phía Tây và chỉ có chừng 10.000 người trên tổng số 400.000 dân sống ở vùng núi Temburong phía Đông. Khoảng 2/3 người dân Brunei là người gốc Malay nên ngôn ngữ chính của họ cũng là tiếng Malay.
Ghé thăm làng nước khổng lồ trên sông Brunei
Đến Brunei Darussalam, không ai không ghé thăm làng nước nổi Kampong Ayer. Cá nhân tôi không lạ với những làng nước nổi vì chúng có mặt ở nhiều vùng Bắc bộ và Nam bộ Việt Nam. Tuy nhiên, Kampong Ayer lại là một làng nước khổng lồ, nằm ngay trên sông Brunei, đối diện với trung tâm thương mại lớn nhất thành phố. Làng nước này có lịch sử hơn 1.300 năm và trong một quốc gia thừa đất, thừa thu nhập, nó vẫn nghiễm nhiên tồn tại như thế với 39.000 dân, 4200 công trình bao gồm 15 trường học, thánh đường, nhà hàng, cửa hiệu nhỏ, bệnh viện, văn phòng cảnh sát và nhà ở.
Lý giải cái điều tại sao bước sang thế kỷ 21 từ lâu rồi mà cư dân ở đây vẫn không chịu rời nước, người đồng hành với chúng tôi - Adilm nói rằng có thể những cư dân đầu tiên của đảo Borneo đã lấy dòng sông Brunei làm nguồn thu nhập chính, kể từ khi họ chưa có khái niệm gì về dầu lửa. Và ngày nay, trải qua hơn một thế kỷ, sống trên sông nước đã là một tập quán, thói quen ăn sâu vào máu thịt và tiềm thức họ.
Mặc dù là dân cư ngụ trên sông nhưng tất cả các gia đình đều có xe hơi để… trên bờ. Hàng ngày họ đi xuồng máy cập bờ rồi lấy xe hơi đi làm, tối đến đáp xuồng về nhà. Trừ các thánh đường lộng lẫy có chóp mái dát vàng, những ngôi nhà của Brunei, kể cả khách sạn năm sao, đều rất xấu xí, thiết kế đơn điệu hình hộp với mái dốc không theo một phong cách đặc trưng nào. Tuy nhiên, bên trong lại décor rất cầu kỳ với cột đá, hoa văn tường, rèm, thảm, đèn chùm tinh xảo. Tôi vẫn cho rằng kiến trúc liên quan đặc biệt đến tính cách một dân tộc, một con người. Người Brunei có bản tính kín đáo, không thích phô trương, nên bao nhiêu cái tinh túy họ đem bày biện hết trong nhà, còn bề ngoài để tuềnh toàng, giản dị.
Những ngôi nhà trên làng nước thậm chí còn bệ rạc hơn, nhưng bên trong có đầy đủ các trang thiết bị điện tử, điện lạnh tối tân với máy giặt, điều hòa, lò vi sóng, vi tính, internet, truyền hình cáp…, tường được chạm hoa văn, sàn trải thảm và phía trước có vườn hoa. Những cây cầu được bắc từ nhà nọ sang nhà kia khiến các khu nhà trên làng nước liên hoàn không khác gì đất liền. Các trường học rộng rãi như bất kỳ ngôi trường nào, chỉ có điều không có sân chơi mà thôi.
Sau khi trở về từ vương quốc Hồi giáo, tôi có đố vui những người ở nhà rằng đến Paris ta mua đồ lưu niệm hình tháp Eiffel về làm quà, đến New York mua tượng Nữ thần tự do, đến Bắc Kinh mua phù điêu Vạn lý trường thành, đến Campuchia mua áo in hình Angcor Wat, thế chứ đến Bandar Seri Begawan thì ta mua thứ gì? Đó là một khối pha lê hình vuông có khảm chữ Brunei Darussalam, ở giữa khoét một lỗ rồi nhồi giọt dầu màu nâu vào, thế là thành đồ lưu niệm bán cho du khách (giá 30 Ringgit Brunei), vì Brunei đâu có gì ngoài dầu thô. Đi dọc thành phố cảng Muara chừng 80km là đến vùng Seria, khu vực nổi tiếng với những giếng dầu khổng lồ.
Người Brunei giàu có nhờ dầu lửa
Đến nơi này, không khí công nghiệp thấy rõ khi từ xa đã nhìn thấy những ống dẫn dầu bắc ra tàu chở dầu ngoài biển. Bờ biển nơi này cũng rất đẹp với rặng phi lao vươn mình trước nắng vàng, biển xanh và cát trắng, song lại thoang thoảng mùi dầu, đố mà dám tắm. Người Brunei giàu có nhờ dầu lửa. Sự giàu có của quốc vương Brunei thì đã được đồn đại từ lâu rồi.
Năm 2006, trong sinh nhật tròn 60 tuổi của Sultan Hassanal Bolkiah, người đồng thời làm Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính và Tư lệnh tối cao của quân đội Brunei, có tới 10.000 khách mời đến cung điện lớn nhất thế giới Istana Nurul Iman với 1788 phòng, hàng chục chiếc trực thăng diễu hành và một màn pháo hoa trị giá 200.000USD. Quốc vương cũng nổi tiếng với bộ sưu tập hàng trăm chiếc xe hơi và các phi cơ riêng. Tất cả những thứ đó thực không là gì trong số tài sản 20 tỉ USD của Hassanal, người từng nhiều năm liền giữ ngôi vị là người giàu có nhất thế giới.
Trong thế giới cổ tích, các Sultan thường cưỡi lạc đà. Còn ngày nay, Sultan Hassanal ngoài việc cưỡi Rolls Royce, Ferrari, Jaguar, Porsche… còn sở hữu hàng trăm con ngựa dùng cho môn thể thao polo. Brunei là một trong số ít các quốc gia có sân polo. Sự sung sướng ấy Sultan không hưởng một mình mà chia sẻ cho toàn thể thần dân. Vì thế hiện nay Brunei là một trong những quốc gia giàu nhất châu Á với tổng thu nhập quốc dân là 23.600 USD/người, thu nhập thấp nhất khoảng 1.000USD/tháng. Những công dân theo đạo Hồi được thụ hưởng miễn phí các dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục cũng như không phải đóng thuế.
Mặc dù cả nước chỉ có 2 trường đại học (trong đó có một đại học Hồi giáo) và 2 viện nghiên cứu sau đại học nhưng chỉ số HDI của Brunei ở thứ hạng khá cao là 30. Brunei giàu có vì dầu lửa nên dường như không cần sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Mặc dù thoạt nhìn, đất nước Brunei có vẻ buồn tẻ nhưng không phải không có những điều thú vị. Tuy nhiên, có lẽ vì người dân nước họ thu nhập cao nên chính phủ không chú tâm nhiều đến ngành công nghiệp du lịch.
Song gần đây, lo ngại về một nguồn dầu sẽ không phải là vô tận, nhà nước Brunei đã thành lập Tổng cục du lịch để hy vọng trong 30 năm tới, thế hệ con cái của họ có thể hưởng thụ một thành quả du lịch bắt đầu được gây dựng từ những năm đầu của thế kỷ 21. Khi được hỏi về lợi thế lớn nhất trong ngành du lịch Brunei, ông Sheikh Jamalludin Sheilk Mohamed, Cục trưởng Cục Du lịch có phát biểu rằng đó chính là rừng. “Rừng ở khắp mọi nơi, ngay trước cửa nhà bạn” và “du lịch thể thao, mà đặc biệt là các sân golf”. Và chiến lược của họ là đang đẩy mạnh quá trình marketing du lịch và tăng cường nhận thức của cư dân bản địa để Brunei trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á.
(theo ANTĐ)
Ý kiến bạn đọc