Người Đàng Hạ có vài chục nhân khẩu sống với ký ức chắp vá về bộ tộc trong những căn nhà ọp ẹp ở ven biển xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh, Khánh Hòa.
Ngày tháng 4, nắng nóng gay gắt. Con đường dẫn vào nơi người Đàng Hạ - một tộc người thiểu số - sinh sống vắng hoe. Những ngôi nhà lụp sụp dựng trên một dải đất hẹp, dọc mép biển, trông xộc xệch. Một số căn đóng kín cửa, bỏ hoang. Trong thôn chỉ còn lưa thưa vài người già và trẻ nhỏ.
"Cái nghèo đeo dai dẳng năm này qua năm nọ, một số người đi làm mưu sinh, còn số khác bỏ xứ đi biền biệt", ông Trần Trò (87 tuổi, xóm Xuân Đừng, xã Vạn Thạnh) nói.
Trong căn nhà tuềnh toàng, lão ông có nước da đen, tóc quăn đã bạc trắng, mày rậm, mũi cao bảo mình là hậu sinh của người Đàng Hạ, sinh ra và lớn lên ở Xuân Đừng. Ông Trò nói rằng, với người Đàng Hạ bây giờ, ký ức về dòng tộc rất mơ hồ, chắp vá chỉ qua lời của nhiều thế hệ truyền lại, mà không có bất kỳ dấu tích chứng minh sự hiện diện.
"Chúng tôi chưa lần nhìn thấy những giấy tờ ghi chép, gia phả, những sắc thái văn hóa đặc trưng, chữ viết riêng của bộ tộc mà chỉ nghe truyền khẩu", ông lão thừa nhận.
Cách nhà ông Trò hơn 500 m, bà Nguyễn Thị Mía (85 tuổi) cũng nhìn nhận những dữ kiện về tộc người Đàng Hạ bà chỉ được cha ông kể, rồi truyền lại với con cháu. Bà kết hôn với người kinh, quen dần với tập tục nhà chồng. Các con lần lượt ra đời mang họ của cha. "Người xưa gọi chúng tôi là tộc người Đàng Hạ thì nghe thế chứ chẳng có gì để minh chứng", cụ bà có nước da đen nhẹm nói.
Lưu truyền về người Đàng Hạ, các nhà nghiên cứu cho rằng, xưa có một số thuyền ngư dân Indonesia khi qua vùng biển Khánh Hòa bị bão nhấn chìm. Một số người sống sót, trôi dạt vào đảo hoang tại huyện Vạn Ninh. Bất thành trong đường trở về quê nhà, họ phát hiện trên đảo có nguồn nước ngọt nên lưu lại lập nghiệp.
Ngoài ra, có giả thiết cho rằng, đây là nhóm người dân tộc thiểu số ở miền núi tỉnh Bình Định. Chiến tranh loạn lạc đã khiến cho họ phiêu bạt đến đây.
Người Đàng Hạ xưa sống khá nguyên thủy, hoang sơ. Mọi người túm tụm trong xóm. Nhiều nhà hai vợ chồng chỉ có một cái quần, hễ chồng đi thì vợ ở nhà phải quấn lá cây. Trai gái yêu nhau dắt về nhà ở chung, không có phong tục làm đám cưới và cũng chẳng theo tín ngưỡng nào, ngoài tục thờ cúng ông bà, tổ tiên.
Bộ tộc này sống ở biển, song không biết làm lưới đánh cá. Ngày lên núi đá Khải Lương săn thú rừng và chặt hạ cây, rồi ủ làm than mang ra chợ huyện đổi lấy gạo, dầu và các thứ thiết yếu. Quần quật mưu sinh, trẻ ở đây theo người lớn đi làm phụ thêm thu nhập gia đình, không màng đến con chữ.
Nhà cửa của người Đàng Hạ ọp ẹp, dựng bằng lá cỏ xù xì, nằm trên cát trắng. Tường được ghép bằng cây rừng nhỏ có tên là cây săng, mắm rừng…, rồi lợp lá dứa bên ngoài.
Nước ngọt ở đảo, người dân chỉ cần chờ nước ròng bãi biển trơ cát rồi moi một lỗ nhỏ là có nước ngọt phun ra, mang về dùng và dòng nước ngầm chưa bao giờ cạn. Hiện tượng này chỉ có ở bãi biển Xuân Đừng - dọc vịnh Vân Phong.
Về điều này, người Đàng Hạ có truyền thuyết rằng, xưa vua Gia Long cùng nhóm binh lính thất trận, dạt vào Xuân Đừng. Lúc lương thực lẫn nước uống cạn kiệt, vị tướng lập đàn cầu khẩn.
Bất ngờ, từ phía biển một loài cá kéo vào bờ để quân lính bắt ăn, mấy hố nhỏ đào bên mép biển có nước ngọt. Vua Gia Long truyền lệnh miễn thuế vĩnh viễn cho dân nơi đây và nguồn nước "trời ban" mang lại sự sinh tồn cho người Đàng Hạ.
Trong cuốn Người Hẹ - Văn hoá tộc người nhà nghiên cứu dân tộc học Trần Việt Kỉnh viết, Xuân Đừng từ đó có 7 chóp nhà cùng tộc người sinh sống, chẳng ai biết trôi dạt từ đâu đến. Hình dáng chung thường da đen bóng, trán ngắn, môi dày và đôi mắt đồng thau nên dân địa phương gọi là người Đàng Hạ.
Người Đàng Hạ mang trong mình chút tính chất Nam Đảo, nên khi tới vùng đất mới họ dễ hòa nhập với người bản địa. Bởi nhờ có chung hệ ngôn ngữ Môn Khmer và văn tự phạm, song đấy là giải thiết, vì chưa có lý giải nào rõ ràng nguồn gốc tộc người Đàng Hạ.
Xuân Đừng hiện có 7 hộ dân tộc thiểu số với 47 nhân khẩu thuộc xóm nghèo của địa phương. Tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ xây nhà, cấp 6 tháng ăn, cấp tôm giống để nuôi. "Nhiều hộ gia đình nơi đây rơi vào túng quẫn, đói nghèo đã đóng cửa nhà đi nơi khác mưu sinh", lãnh đạo xã nói.
Theo lãnh đạo xã, các sắc phong thời xưa của Xuân Đừng được vua Gia Long ban có dấu hai bàn tay, trước đây giao một người trong xóm cất giữ nhưng gặp vụ hỏa đã bị thiêu rụi.
theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc