“Máu chảy, ruồi bâu xung quanh vết thương và ngồi dưới tiết trời oi nóng” – đó là những gì các bé gái tộc người Surma phải nghiến răng chịu đựng khi bị rạch khắp cơ thể.
Những người đàn ông bộ lạc quan niệm, làn da trần mịn màng trông rất xấu xí. Cơ thể phải nhiều vết rạch lồi lõm mới là cái đẹp thực sự.
“Máu chảy, ruồi bâu xung quanh vết thương và ngồi dưới thời tiết oi nóng, các bé gái không hé một lời nào trong suốt 10 phút nghi lễ, thậm chí không biểu hiện sự đau đớn”, nhiếp ảnh gia người Pháp Eric Lafforgue chứng kiến quá trình từ đầu tới cuối, miêu tả lại đầy chân thực.
“Đây cũng là dấu hiệu về vẻ đẹp trong các bộ lạc, cũng là truyền thống của người Surma. Các bé gái không bao giờ lộ rõ sự đau đớn bởi điều này sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng gia đình”, nhiếp ảnh gia nói. Với những vết thương hở, người Surma sẽ dùng thứ nước ép từ thực vật hay than củi chà lên để tăng thêm vết sẹo. Quá trình này có thể gây nhiễm trùng, hoặc vết sẹo càng lớn hơn khi nó lành lặn.
Ở Ethiopia, mỗi bộ lạc lại có những kiểu “làm đẹp” riêng biệt. Và đặc biệt, những vết sẹo với họ là “hình thức nghệ thuật”. Tại bộ tộc Karo, cả nam giới và nữ giới đều tạo sẹo trên cơ thể. Người đàn ông có sẹo trên ngực thể hiện việc họ giết được kẻ thù. Còn nữ giới sẽ có sẹo trên cổ và ngực. Điều này được coi là cái đẹp và gợi tình. Bộ lạc Karrayyu để sẹo trên má như mèo, còn phụ nữ người Dassanech sống trong làng Omorate lại có sẹo trên vai.
Trong bộ lạc Mursi, vết sẹo được xem như biểu tượng của sức mạnh. Tại miền nam Sudan, phụ nữ Toposa tự tạo nên vết sẹo chằng chịt trên bụng trước khi kết hôn. Những người đàn ông từ bộ lạc Nuer có những đường sẹo song song trên ngực, còn phụ nữ bộ lạc Datoga, ở Tanzania, làm đường sẹo quanh mắt vì vấn đề thẩm mĩ.
Hủ tục tự rạch mình để tạo sẹo tại các bộ lạc ở châu Phi tồn tại hàng trăm năm nay, nhưng đang trở thành hiểm họa y tế rất nguy hiểm. Việc dùng chung dao và không vệ sinh sạch sẽ làm tăng nguy cơ lây lan các bệnh truyền nhiễm như viêm gan, HIV, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng. Dù chính quyền địa phương lên tiếng vận động người dân không tiếp tục lưu giữ những hủ tục, nhưng dường như mọi chuyện chưa thể chấm dứt trong ngày một ngày hai.
Ý kiến bạn đọc