(VnMedia) - Australia được biết đến là xứ sở của chuột túi (Kangaroo) và loài này được coi là biểu tượng của quốc gia. Tuy nhiên, việc các chú chuột túi tranh giành lãnh thổ bằng cách đánh nhau ngay trên đường phố thì thật là kỳ lạ.
Có thể bạn chưa biết
Australia được gọi là “xứ sở của chuột túi” quả không sai. Theo số liệu của Quỹ động vật hoang dã Australia, hiện có khoảng 50-60 triệu con kangaroo với 48 loài khác nhau, gấp đôi đàn trâu bò gần 29 triệu con và bằng một nửa tổng số đàn cừu của Australia khoảng 113 triệu con. Theo số liệu của Bộ nông nghiệp thì có khoảng 35 triệu con tại các khu vực được quy hoạch có giá trị thương phẩm. Hiện Australia đang sử dụng các kỹ thuật khác nhau, kể cả khảo sát từ trên không, để đếm số lượng Kangaroo tại các khu vực này. (Dân số của Australia tính đến trưa ngày 24/4 là 23,798,956 người).
Kangaroo được thương mại hóa kể từ khi Australia lần đầu tiên xuất khẩu thịt kangaroo sang châu Âu năm 1959. Hiện các thương phẩm từ kangaroo gồm thịt, da và lông được xuất khẩu đến gần 60 quốc gia, doanh thu khoảng 270 triệu đô la/năm và tạo công ăn việc làm cho hơn 4000 lao động. Việc bắt, giết mổ kangaroo được giám sát hết sức nghiêm ngặt, chỉ có 6 loài được thương mại hóa và phải tuân theo các quy định về súc quyền, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như căn cứ trên chỉ tiêu cho phép của Chính phủ ( khoảng 10-15% tổng số kangaroo). Từ đầu những năm 1990, thương phẩm kangaroo mới được cho phép tiêu thụ tại Australia. Hiện có nhiều siêu thị bán các loại như fillet, steak, và xúc xích.
Kangaroo cùng với chim Emu (đà diểu sa mạc Úc) từ 1908 trở thành biểu tượng chính thức trên quốc huy của Australia. Hiện trên các tuyến đường giao thông của Australia xuất hiện rất nhiều biển báo giao thông cảnh báo khu vực có nhiều kangaroo, tuy nhiên “tai nạn chết kangaroo” vẫn thường xuyên xảy ra, nhất là trên các tuyến đường cao tốc.
Ý kiến bạn đọc