(VnMedia) - Lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu sẽ nhấn chìm cả đất nước, lãnh đạo quốc đảo Kiribati ở Thái Bình Dương đang xem xét kế hoạch mua đất để di dời toàn bộ dân cư của họ tới Fiji.
Hồi cuối tuần vừa rồi, Tổng thống Kiribati - ông Anote Tong tiết lộ, nội các của ông vừa nhất trí với kế hoạch mua khoảng 6.000 mẫu Anh đất ở trên đảo Viti Levu, Fiji với giá khoảng 9,6 triệu USD (gần 200 tỷ VNĐ). Theo ông Tong, mảnh đất này có thể đủ cho tất cả 103.000 người dân Kiribati sinh sống. Mặc dù vậy, ông Tong cũng hy vọng rằng đất nước ông sẽ không bao giờ phải thực hiện cuộc di dời lịch sử này. Hiện Kiribati đang chờ Nghị viện thông qua kế hoạch để tiến hành thương lượng chính thức với các nhà lãnh đạo Fiji.
Kiribati là quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, nằm trên đường xích đạo và gần với đường Chuyển ngày Quốc tế (kinh tuyến 180 độ ở giữa múi giờ số 12 trên Thái Bình Dương). Quốc đảo này nằm trong số các quốc gia chịu hậu quả nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Theo ước tính của các nhà khoa học, mực nước ở Thái Bình Dương tăng khoảng 2 millimet mỗi năm nhưng tỉ lệ này sẽ càng ngày càng tăng nhanh. Hiện tại, mực nước biển mới chỉ tăng nhẹ nhưng Kiribati đang gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi lượng mưa, thủy triều và bão. Được biết, nước mặn đã xâm nhập và ảnh hưởng tới nguồn nước ngọt trên một số đảo.
Fiji nằm cách quốc đảo Kiribati khoảng 2.253km về phía Nam có dân số khoảng 850.000 người. Phía chính quyền Fiji cho biết, họ đang nghiên cứu kế hoạch của Kiribati và sẽ đưa ra tuyên bố chính thức vào tuần tới. Trước khi tính tới việc mua đất ở Fiji, quốc đảo Kiribati đã tính tới việc xây dựng hàng rào ngăn nước biển, thậm chí là cả việc xây dựng các đảo nổi.
Kiribati còn được biết đến với tên gọi Quần đảo Gilbert, vốn là thuộc địa của Anh, giành độc lập năm 1979. Giống như nhiều quốc đảo ở Thái Bình Dương khác, Kiribati rất nghèo, GDP bình quân đầu người chỉ khoảng 1.600 USD/người/năm. Nhưng theo Tổng thống Tong, Kiribati có đủ dự trữ ngoại tệ để mua đất nhờ lợi nhuận từ khai thác mỏ phốt phát trong những năm 70.
Hà Liên -
(theo AP)
Ý kiến bạn đọc