Bảo Phương thừa nhận có đặt bánh ở Xuân Đỉnh

13:25, 22/09/2015
|

Một cơ sở sản xuất bánh Trung thu Bảo Phương (số 223, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đã bị tạm đình chỉ hoạt động nhưng các cơ sở còn lại vẫn hoạt động bình thường khiến người tiêu dùng không khỏi hoài nghi, lo lắng về sự chấp pháp của thương hiệu này.

Ông Phạm Văn Định, chủ cơ sở sản xuất chính của Bảo Phương, 183 Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội đã tiết lộ nhiều điều về thương hiệu bánh này.

Cùng công thức nhưng khác người làm

- Vì sao cơ sở Bảo Phương bị cơ quan chức năng phạt, đình chỉ hoạt động nhưng cửa hàng vẫn mở bán thưa ông?

- Trên thực tế, thương hiệu Bảo Phương có 2 cơ sở là Bảo Phương 1 và Bảo Phương 2. Cơ sở bị phạt và đình chỉ là cơ sở 2 - đây là cơ sở của anh trai tôi, đã tách ra làm riêng được 30 năm rồi. Về mặt kinh tế cũng như các giấy tờ liên quan như: Giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy kiểm nghiệm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm... là hoàn toàn riêng biệt. Nếu cùng công thức đi chăng nữa thì chất lượng cũng không thể giống nhau bởi nó còn phụ thuộc vào tay nghề, quy trình sản xuất và tâm huyết dành cho sản phẩm.

Tôi nói thế không có nghĩa là tự cho mình hơn, chất lượng của sản phẩm cũng như uy tín của thương hiệu phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Như một số thương hiệu khác cùng là anh em một nhà được bố truyền nghề cho nhưng mỗi cửa hàng lại có một lượng khách khác nhau. Thế mới nói, tuy cùng một công thức nhưng mỗi người lại tạo ra một sản phẩm khác nhau.

- Từ khi cơ sở 2 bị tạm đình chỉ, các cơ sở còn lại hoạt động như thế nào thưa ông?

- Việc cơ sở 2 bị đình chỉ sản xuất khiến cho cơ sở của tôi bị ảnh hưởng không nhỏ. Nếu so với mọi năm thì sức tiêu thụ năm nay giảm đáng kể. Các chị cũng thấy rồi đấy, từ sáng đến giờ mãi mới có khách và cũng sẽ không giới hạn số hộp bánh khách được quyền mua như mọi năm. Tuy lượng khách sụt giảm không nhỏ nhưng tôi vẫn bán được vì ở đây vẫn có những người chung thủy, gắn bó với cửa hàng nhiều năm liền. Dĩ nhiên, ban đầu một số khách hàng cũng thắc mắc, hoài nghi nhưng khi được giải thích rõ ràng thì họ vẫn tin dùng.

  Ảnh minh họa

  Vẫn có khách hàng đến mua bánh của Bảo Phương.


- Vậy số nguyện liệu đã chuẩn bị cho mùa Trung thu năm nay liệu có được “cấp đông” để năm sau sản xuất tiếp không, thưa ông?

- Ở đây, tôi không đặt trước nguyên liệu, cứ bán đến đâu lấy đến đó, thiếu thì gọi thêm để đảm bảo chất lượng. Hầu hết các loại nguyên liệu đều không để được lâu, đặc biệt là thịt lợn, mỡ, lạp xưởng... vì thế lượng khách có sụt giảm cũng không lo giải quyết nguyên liệu. Còn về mặt nhân lực, tôi chưa có dự liệu gì cả vì vụ việc kia mới xảy ra cách đây vài ngày, chưa biết tình hình sẽ biến chuyển thế nào. Tất nhiên nếu sản phẩm của mình không có đầu ra, không tiêu thụ được thì chắc tôi cũng phải tính tới chuyện cắt giảm nhân lực.

Có việc đặt làm bánh chay ở Xuân Đỉnh

- Có không ít nghi vấn khác như Bảo Phương nhập hàng từ Xuân Đỉnh sau đó về bán giá gấp đôi, ông giải thích sao về điều này?

- Chuyện đó là không hề có! Đúng là tôi có ký hợp đồng đặt bánh chay từ cơ sở sản xuất Minh Châu (Xuân Đỉnh, Từ Liêm) bởi ở đây không còn diện tích để làm thêm loại bánh này nữa. Nói là đặt nhưng chỉ thuê họ gia công với giá tầm 1.000 – 2.000 đồng/chiếc còn nguyên liệu mình vẫn chịu trách nhiệm, đi mua hết thì làm sao có lãi được! Nên có ai nói tôi lấy bánh ở đó xong về đội giá lên là không đúng.

Với lại, pháp luật vẫn cho phép được đặt gia công cơ mà. Còn những sản phẩm gia truyền đương nhiên mình phải tự sản xuất để giữ lấy thương hiệu, đâu có thể đặt linh tinh xong đem về bán được. Bởi thế người ta mới nói, gây dựng một thương hiệu đã khó, giữ nó còn khó hơn.

- Còn nghi vấn cho rằng cửa hàng của ông thuê người xếp hàng để PR thương hiệu thì sao?

- Tôi phải công nhận có một số đối tượng mua bánh tại đây rồi đem bán lại với giá chênh lệch đến 50.000 đồng/hộp hoặc làm dịch vụ xếp hàng thuê. Riêng tôi không bao giờ làm việc này cả, bởi hơn chục năm về trước ở đây đã đông khách rồi, việc gì phải làm thế.

- Liệu thương hiệu Bảo Phương có bị “xóa tên” khỏi thị trường bánh cổ truyền hoặc ông sẽ chuyển hướng kinh doanh các mặt hàng khác?

- Tôi nghĩ là không, vì gia đình tôi đã gắn bó với nghề này mấy chục năm rồi. Chỉ có vụ nào không bán được thì tôi lại làm thêm bánh chả vì nó được khá nhiều người ưa chuộng. Còn bình thường trong năm nhà tôi vẫn sản xuất đều theo các đơn hàng, bởi có nơi người ta vẫn dùng bánh nướng, bánh dẻo trong lễ ăn hỏi.


(theo GĐ&XH)

Ý kiến bạn đọc