(VnMedia) - Bệnh tiểu đường làm giảm lưu lượng máu đến bàn chân, gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng, khiến những tổn thương, vết thương ở bàn chân rất khó lành.
Người bị tiểu đường dễ bị tổn thương bàn chân (Ảnh minh họa) |
Bệnh tiểu đường cũng làm tổn hại các dây thần kinh ngoại vi, gây tê và mất cảm giác vùng bàn chân, khiến bệnh nhân bị thương bàn chân mà không hề hay biết. Trong một số trường hợp, vết thương nghiêm trọng đến mức bác sĩ phải phẫu thuật cắt bỏ chân bệnh nhân.
Các biến chứng bàn chân do đái tháo đường như: biến dạng bàn chân, loét bàn chân, hoại tử ngón chân… là nguyên nhân phổ biến nhất trong nhóm nguyên nhân không phải chấn thương gây cắt cụt chi ở các nước phát triển. Theo thống kê, có 5 - 7% số bệnh nhân đái tháo đường bị biến chứng loét bàn chân và nguy cơ cắt cụt chi ở bệnh nhân đái tháo đường cao gấp 15 - 46 lần so với người không bị bệnh. Còn tính trên phạm vi toàn thế giới thì cứ 30 giây lại có 1 bệnh nhân đái tháo đường bị cắt cụt chân.
Khi được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, người bệnh cần biết cách kiểm soát bệnh tốt để phòng ngừa các biến chứng hoặc nếu biến chứng xảy ra cũng muộn và nhẹ hơn.
Dưới đây là 10 lời khuyên về bàn chân khi bị tiểu đường:
1. Bàn chân là một phần không thể thiếu của cơ thể, hãy chăm sóc bàn chân hơn chính bản thân.
2. Những chai chân và vết thương nhỏ cần phải được loại bỏ
3. Nên chọn giầy dép không quá chặt
4. Khi bàn chân bị loét cần đi giầy dép dành cho người đái tháo đường để giảm áp lực lên vùng tổn thương
5. Khi bàn chân có dấu hiệu nhiễm trùng cần phải được điều trị ngay.
6. Khi bàn chân được có dấu hiệu thiếu máu cục bộ cần phải được điều trị và can thiệp mạch máu.
7. Giáo dục cho tất cả người đái tháo đường biết cách tự chăm sóc bàn chân, không để bàn chân tổn thương do di vật hay chấn thương
8. Kiểm soát đường huyết thật tốt.
9. Không nên cắt cụt bàn chân nếu không có lý do phù hợp
10. Để giảm tỷ lệ cắt cụt bàn chân thì tất cả chúng ta hãy lên tiếng “phòng, chống bệnh đái tháo đường”.
Minh Hải
Ý kiến bạn đọc