(VnMedia) - Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao (Mycobacteriae tuberculosis) gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp.
Tỷ lệ nhiễm trực khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis) ở Việt Nam hiện nay rất cao. Lao phổi là thể lao phổ biến nhất trong các thể lao. Tuy nhiên, trong khoảng một phần ba các trường hợp, lao cũng có thể xảy ra ở các phần khác của cơ thể, ví dụ như lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao khớp, lao thận, lao phúc mạc.
Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh lao nhưng căn nguyên chính là do vi khuẩn lao người (Mycobacteria Tuberculosis Hominis) và vi khuẩn lao bò (M.bovis), vi khuẩn này lây sang người khi chúng ta uống sữa bò không tiệt trùng. Đặc biệt, hiện nay bệnh lao thường xuyên đi kèm với HIV/AIDS. Những người bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch kém vì vậy luôn là đối tượng hàng đầu của bệnh lao. Tỷ lệ tử vong vô cùng cao và nhanh chóng.
Biểu hiện lao phổi
– Ho kéo dài, ho khan hoặc khạc đờm trắng.
– Nhiều trường hợp người bệnh ho khạc đờm lẫn máu hoặc ho khạc nhiều máu.
– Sốt nhẹ về chiều gặp ở hầu như tất cả các bệnh nhân.
– Người gầy sút, cân.
– Người bệnh thường có tiền sử tiếp xúc với những người mắc lao phổi như người thân trong gia đình hoặc những người có biểu hiện ho kéo dài.
TS. Nguyễn Thanh Hồi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hầu hết các trường hợp khám phổi không phát hiện dấu hiệu gì đặc biệt. Bệnh được chẩn đoán dựa chủ yếu vào việc khai thác các dấu hiệu ho kéo dài, khạc máu, sốt về chiều… và hình ảnh tổn thương thâm nhiễm trên phim chụp x quang phổi. Việc chẩn đoán chắc chắn mắc lao dựa vào việc tìm thấy bằng chứng của vi khuẩn lao trong đờm.
Triệu chứng toàn thân Người bệnh suy kiệt, da xanh, niêm mạc nhợt, sốt dai dẳng về chiều và tối. Triệu chứng cơ năng Ho ngày càng tăng, có thể ho ra máu. Đau ngực liên tục. Khó thở tăng cả khi nghỉ ngơi. Triệu chứng thực thể Khi bệnh nhân đến muộn, có thể nhìn thấy lồng ngực bị lép (bên tổn thương) do các khoang liên sườn hẹp lại. Vùng đục của tim bị lệch sang bên tổn thương, nghe có nhiều ran nổ, ran ẩm… có thể có tiếng thổi hang.
Ảnh minh họa.
Lao phổi thường bị nhầm với những bệnh gì ?
Theo TS. Nguyễn Thanh Hồi, các triệu chứng lao phổi đôi khi rất giống với các bệnh phổi khác, do vậy, khi bệnh nhân đến khám, có thể thầy thuốc nhầm tưởng đó không phải lao, hoặc đôi khi là bệnh phổi khác nhưng lại được chẩn đoán là lao. Vậy những bệnh lý nào có thể gây chẩn đoán nhầm với lao phổi ?
Viêm phổi: nhiều bệnh nhân lao phổi bị chẩn đoán nhầm là viêm phổi. Thông thường, hướng tới chẩn đoán viêm phổi khi bệnh diễn biến đột ngột với sốt, ho khạc đờm mủ, đờm màu xanh hoặc màu vàng. Xét nghiệm thấy số lượng bạch cầu trong máu tăng. Chụp X quang phổi thấy tổn thương là đám mờ hình tam giác mà không có hang kèm theo. Xét nghiệm đờm: không tìm thấy vi khuẩn lao. Dùng kháng sinh bệnh thuyên giảm nhanh.
Ung thư phổi: nhiều trường hợp lao phổi có hình mờ trên phim X quang giống như u phổi do đó có thể chẩn đoán nhầm là u phổi. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp u phổi bị hoại tử ở giữa, do vậy trên phim thấy hình giống như hang trong lao phổi. Thông thường hướng tới chẩn đoán u phổi khi: bệnh nhân nam, tuổi > 45 có tiền sử hút thuốc lào, thuốc lá. Trên phim X quang phổi tổn thương là hình đám mờ. Để có chẩn đoán chắc chắn, cần tiến hành nội soi phế quản, lấy dịch phế quản làm các xét nghiệm tế bào, vi khuẩn lao, hoặc tiến hành chọc kim vào đúng vị trí tổn thương để lấy bệnh phẩm chẩn đoán.
Áp xe phổi: người bệnh thường có hội chứng nhiễm trùng rõ ràng, ho khạc mủ hoặc ộc mủ. Trên phim X quang phổi là hình mức nước hơi.
Giãn phế quản: chẩn đoán phân biệt bằng cách tìm trực khuẩn kháng cồn kháng toan (phải làm nhiều lần); chụp cắt lớp lồng ngực lớp mỏng 1mm, độ phân giải cao thấy hình ảnh giãn phế quản.
Hen phế quản: trường hợp này hiếm gây chẩn đoán nhầm, những trường hợp lao nội phế quản có thắt hẹp đường thở đôi khi có thể gây tiếng thở rít làm chẩn đoán nhầm là hen.
Nhìn chung, cần tiến hành làm các xét nghiệm, thăm dò để chẩn đoán lao ở tất cả những bệnh nhân có ho kéo dài > 4 tuần.
Ý kiến bạn đọc