(VnMedia) - Theo báo cáo của Viện Pasteur, bệnh SXH trong năm 2015 có nguy cơ gia tăng mạnh. Tính từ đầu năm đến nay tại các tỉnh phía Nam, đã có 22.185 ca bệnh SXH tăng 54% so với số ca mắc của 2014. Đặc biệt đã có 16 người tử vong do SXH.
Đó là thông tin được đưa ra tại Hội nghị tăng cường phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) khu vực phía nam do Bộ Y tế tổ chức ngày 28/8.
Hiện nay, một số tỉnh phía Nam đã trở thành “điểm nóng” về bệnh sốt xuất huyết với số ca mắc tăng 50% so với năm 2014. Đó là các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, TPHCM… nơi có nhiều khu công nghiệp, người dân trọ đông, nhà ở chật chội và có nhiều bình, dụng cụ chứa nước sinh hoạt.
Nếu trước đây số mắc SXH chủ yếu là trẻ em thì những năm gần đây, đối tượng người lớn mắc SXH chiếm khoảng 50% tổng số ca bệnh.
Theo dự báo, tình hình bệnh SXH từ nay đến cuối năm sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường nếu như công tác phòng, chống dịch bệnh không mang lại hiệu quả và người dân vẫn thờ ơ với SXH như hiện nay.
Đề phòng dịch lây lan trong trường học
Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, SXH thường phát triển theo chu kỳ 1 năm 1; mỗi năm có 1 đỉnh dịch, xuống lên và đỉnh thường rơi vào tháng mùa mưa trước tháng 8,9 hoặc 10. Đây là thời điểm lý tưởng cho muỗi truyền sốt xuất huyết sinh sôi, gây bệnh. Trong khi đó, tháng 9, tháng 10 cũng là mùa tựu trường trùng với đỉnh dịch của SXH nên nguy cơ dịch bệnh trong trường học không thể chủ quan.
Mặt khác, SXH là bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, đường lây truyền dễ dàng qua muỗi vằn đốt. Chưa kể, do không có miễn dịch lâu dài nên về lý thuyết, một người có thể mắc 1 hoặc cả 4 tuýp SXH nên nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người dân bị sốt cao không nên tự điều trị tại nhà mà hãy đến bệnh viện khám để được bác sĩ tư vấn, dặn dò theo dõi. Khi được bác sĩ dặn dò theo dõi dấu hiệu, tái khám người dân sẽ biết cách nhận biết tốt dấu hiệu nguy cơ, thời điểm cần đến bệnh viện khi bị SXH. Đặc biệt, trong thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này để tự theo dõi và đến bệnh viện khám.
Để phòng bệnh trong trường học, ngành y tế cần tăng cường truyền thông các nội dung phòng bệnh sốt xuất huyết cho giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh. Mỗi học sinh là một tuyên truyền viên tại gia đình. Hằng tuần, nhà trường phải kiểm tra tất cả những nơi có chứa nước trong khuôn viên trường học (bể nước dự trữ, bể nước cứu hỏa, bể nước nhà vệ sinh...). Thực hiện tốt vệ sinh trường học, thu gom, loại bỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước. Theo dõi chặt chẽ sức khỏe của giáo viên, cán bộ, sinh viên, học sinh, trẻ em...
Ý kiến bạn đọc