Ứng dụng CNTT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành Y tế

15:24, 15/07/2015
|

(VnMedia ) -  "Nghề Y là một nghề đặc biệt" - Ngành Y tế luôn từng giờ, từng phút giành lại sinh mạng cho từng bệnh nhân, và sức khỏe cộng đồng. Do đặc thù của nghề Y, những bài toán ngành Y tế đặt ra với CNTT luôn là những bài toán khó, đòi hỏi gần như tuyệt đối chính xác, chỉ cho phép dung sai nhỏ, cần sự đầu tư đáng kể cả về tài lực, trí lực, đảm bảo tính hệ thống và khả năng liên thông.

 

Thực hiện Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ đã nhấn mạnh về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, quyết định số 80/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thuê dịch vụ công nghệ thông tin, ngày 14/7, Tập đoàn VNPT tổ chức hội thảo “ Hội thảo “Giải pháp, sản phẩm phần mềm phục vụ công tác quản lý và điều hành trong lĩnh vực khám chữa bệnh”.


Tại Hội thảo, GS.TS. Lê Quang Cường - Thứ trưởng Bộ Y tế, khẳng định, CNTT là phương tiện không thể thiếu được trong tất cả các lĩnh vực trong xã hội, đặc biệt là trong ngành y tế, CNTT đã giải quyết cơ bản bài toán điều hành bệnh viện, phục vụ người bệnh và nhân dân nói chung.

Đánh giá được vai trò to lớn của CNTT đối với sự phát triển của đất nước, Chính phủ đã đề ra đường lối, chỉ đạo sát sao với mong muốn CNTT là đòn bẩy giúp Việt Nam phát triển kịp các nước tiên tiến trong kỷ nguyên của nền kinh tế tri thức và đa phương tiện.

 

Để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện quản lý tốt trong các bệnh viện, việc ứng dụng CNTT là rất cần thiết. Hiện nay, chúng ta đã có các văn bản cụ thể về CNTT nhưng vấn đề là sự phối hợp, phải thực hiện sao cho đồng bộ, cho hiệu quả.  Với sự quan tâm, hỗ trợ tạo điều kiện Đảng, Chính phủ, sự nỗ lực cố gắng của ngành y tế, sự hợp tác của các bạn bè y tế trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT phục vụ việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của người dân đã có bước phát triển và cộng đồng đã được hưởng lợi từ việc tích hợp ứng dụng CNTT trong ngành y tế.

 

Ông Cường nhấn mạnh, phát triển ứng dụng CNTT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, ngành ưu tế sẽ dành ưu tiên thích hợp về ứng dụng CNTT để CNTT góp phần xứng đáng hỗ trợ công tác chuyên môn trong quản lý điều hành, cải thiện sự hài lòng của người dân đối với ngành Y tế.

 

Trước đó, tại Hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế lần thứ VII, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công nghệ thông tin là hạ tầng của hạ tầng. Trong ngành y tế, công nghệ thông tin có thể ứng dụng đơn giản nhất là vào việc xếp hàng khám chữa bệnh tại các bệnh viện (như hệ thống lấy số điện tử); phức tạp hơn như hội chẩn từ xa, bệnh án điện tử, quản lý tổng thể thẻ bảo hiểm y tế, quản lý tổng thể tình trạng sức khỏe cơ bản của mọi công dân bằng thẻ có mã số...

 

Phó Thủ tướng cho rằng, từ trước đến nay, nước ta đã ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế (như các bệnh viện cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài chính và nhân sự) nhưng hoạt động này vẫn manh mún và không gắn kết với nhau. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động này còn ít và các bệnh viện đều phải tự làm về công nghệ thông tin. Chính vì vậy, cần tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế.


  Ảnh minh họa

  Sổ khám bệnh điện tử quản lý bệnh nhân.

   

Lợi ích của người bệnh và bệnh viện khi ứng dụng CNTT
 

Nếu như trước đây việc việc xếp hàng và làm các thủ tục khám chữa bệnh mất rất nhiều thời gian của khách hàng, đôi khi còn làm ảnh hưởng đến cả chất lượng khám chữa bệnh, thì hiện nay, bằng việc ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các hoạt động Y tế, thời gian và chất lượng của công tác khám chữa bệnh đã được thay đổi đáng kể, người dân có thể thụ hưởng các dịch vụ y tế với chất lượng cao hơn và thời gian thực hiện các thủ tục nhanh hơn.

 

Một trong những ứng dụng đem đến tiện ích cho người dùng là ứng dụng thẻ trong quản lý bệnh viện và bảo hiểm xã hội. Thông tin ghi trên thẻ đồng nhất với thông tin bệnh nhân trong VNPT- HIS, khi khám chỉ cần quẹt thẻ, thông tin bệnh nhân sẽ được hiển thị trên màn hình và bệnh nhân được cấp số thứ tự để sử dụng cho toàn bộ quá trình khám cũng như siêu âm, xét nghiệm…; thông tin của bệnh nhân trên thẻ có thể được cập nhật lại nếu có điều chỉnh bổ sung; thẻ có chức năng gửi và nạp tiền, thanh toán viện phí nhanh chóng và tiện dụng.


Việc sử dụng thẻ không chỉ giúp bệnh nhân giảm sai sót và thời gian chờ đăng kí, giảm chi phí, thúc đẩy nhanh quá trình thanh toán bảo hiểm y tế, giảm gian lận y tế mà còn giúp bệnh viện quản lý, chăm sóc và bảo mật thông tin tốt hơn, giảm thiểu thất thoát tài chính, liên thông giữa các bệnh viện, phòng khám, trạm y tế. Với việc tích hợp với phần mềm quản lý bệnh viện, thẻ của VNPT hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về triển khai thử nghiệm thẻ BHYT điện tử của Bộ y tế.


Hiện nay, thẻ của VNPT đang được ứng dụng trong công tác quản lí hiến máu tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, không chỉ kiểm tra được thông tin người hiến máu mà còn tra cứu được lịch sử hiến máu, nhóm máu…

 

Ngoài ra, hướng tới xây dựng bệnh viện điện tử, các bệnh viện đã triển khai giải pháp đăng ký hẹn giờ hoặc lấy số thứ tự qua Tổng đài 1080 giúp giải quyết tình trạng quá tải và nguồn lực bố trí ở bộ phận tiếp nhận tại các bênh viện, giảm thiểu tiêu cực “cò bệnh viện” bán số thứ tự, chen lấn, mất tài sản, bệnh nhân tiết kiệm thời gian chờ đợi, được phục vụ tốt hơn, chủ động thời gian đăng ký khám bệnh.

Với hệ thống kết nối trực tuyến giữa Bệnh viện Bạch Mai, 8 bệnh viện vệ tinh và 3 bệnh viện đa khoa tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Tuyên Quang, Lào Cai, , Sơn La, Hưng yên, Nam Định, Bắc Ninh, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Thái Bình, hoạt động Hội chẩn trực tuyến đã trở thành hoạt động hàng tuần đối với Bệnh viện Bạch Mai.

Từ thành công của ca hội chẩn trực tuyến đầu tiên thuộc chuyên ngành tim mạch giữa bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện vệ tinh, đến cuối năm 2014, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai 148 buổi hội chẩn trực tuyến thường quy với 29.600 lượt y, bác sĩ tham dự, duy trì các buổi hội chẩn đột xuất, cấp cứu những ca bệnh khó theo đề xuất của bệnh viện vệ tinh với các chuyên gia hàng đầu của bệnh viện Bạch Mai. Trong 6 tháng đầu năm 2015, bệnh viện Bạch Mai đã triển khai nhiều buổi buổi hội chẩn thường quy với gần 4000 lượt y, bác sĩ thuộc 11 chuyên khoa.


Thông qua hệ thống trực tuyến, hàng ngàn cán bộ y tế tuyến dưới, học viên có cơ hội tuyệt vời để học hỏi kinh nghiệm, giao lưu chia sẻ về chuyên môn, quản lý với các chuyên gia đầu ngành của bệnh viện Bạch Mai, đem đến lợi ích to lớn đối với cá nhân thầy thuốc và bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện xa Hà Nội.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc