(VnMedia) - Ngày 17/6, Bộ Y tế công bố quyết định thành lập các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực trực thuộc Bộ. Theo đó sẽ chỉ còn 5 Trung tâm Pháp y tâm thần trực thuộc Bộ tại các khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, TP HCM, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ thay vì 37 cơ sở như hiện nay.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ Y tế, thời gian qua cả nước có 37 cơ sở thực hiện chức năng giám định pháp y tâm thần hoạt động dàn trải, không có đầu mối tập trung. Trong đó có 22 trung tâm thuộc Sở Y tế không được đầu tư nhiều về trang thiết bị và nhân lực, hoạt động trong bệnh viện tâm thần tỉnh hoặc bệnh viện đa khoa tỉnh, với số ca trưng cầu giám định mỗi năm chỉ 10-20 trường hợp, có nơi chỉ 2-3 trường hợp.
Các trung tâm này đặt tại Phú Thọ, Thừa Thiên Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Đắk Lắk và Cần Thơ. Các trung tâm này đều hình thành trên cơ sở trung tâm giám định pháp y tâm thần của tỉnh.
Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc tại tỉnh Phú Thọ, trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Phú Thọ. Trung tâm này thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 9 tỉnh miền núi phía Bắc, gồm Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền Trung tại Thừa Thiên Huế, phát triển trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Thừa Thiên Huế. Trung tâm này thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 7 tỉnh miền Trung, từ Bình Định trở ra, gồm Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh phát triển trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần Thành phố Hồ Chí Minh. Trung tâm này thực hiện giám định pháp y tâm thần cho Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên tại tỉnh Đắk Lắk , trên cơ sở Trung tâm Giám định pháp y tâm thần tỉnh Đắc Lắk. Trung tâm này thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 7 tỉnh của khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, gồm Đắc Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng.
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ trên cơ sở Trung tâm giám định pháp y tâm thần thành phố Cần Thơ. Trung tâm này thực hiện giám định pháp y tâm thần cho 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, gồm Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang.
Các địa phương còn lại sẽ thực hiện giám định pháp y tâm thần trực tiếp tại Viện pháp y tâm thần Trung tương và Phân viện phí Nam, trực thuộc Viện pháp y tâm thần Trung ương tại thành phố Biên Hòa.
Các trung tâm pháp y tâm thần khu vực được thành lập sẽ phải chịu trách nhiệm giám định pháp y tâm thần theo quyết định trưng cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, của cá nhân và tổ chức trên địa bàn mình phụ trách. Việc giám định phải đảm bảo chính xác và hiệu quả để thực hiện điều tra, giải quyết các vụ án.
Nhiệm vụ trọng tâm của giám định pháp y tâm thần là xác định các đối tượng phạm tội nghi ngờ có rối loạn tâm thần xem họ có bệnh tâm thần hay không, bệnh gì, mức độ bệnh ra sao. Từ đó sẽ xác định được năng lực hành vi đối với người có hành vi vi phạm pháp luật. Đây là cơ sở để tiến hành truy tố, xét xử, quyết định trách nhiệm dân sự, hình sự của người vi phạm pháp luật.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, giám định pháp y tâm thần là một bộ phận của giám định tư pháp, có vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt với hoạt động tố tụng, góp phần giải quyết các vụ án được chính xác, khánh quan, đúng pháp luật. Vì thế, việc thành lập các trung tâm giám định tâm thần khu vực có ý nghĩa quan trọng trong việc xét xử được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Ý kiến bạn đọc