Phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh MERS-CoV

07:24, 07/06/2015
|

(VnMedia ) - Ngày 6/6, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết trước tình hình Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do virusCorana (MERS-CoV) đang diễn biến phức tạp tại Hàn Quốc, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch hành động phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam, nhằm phát hiện sớm trường hợp mắc bệnh này và xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tử vong.

Theo đó, Hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông (MERS-CoV) do virus Corona gây nên. Bệnh có khả năng lây truyền từ người sang người, chủ yếu trong nhóm người có tiếp xúc gần.

Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như sốt, ho, viêm phổi nặng và nhanh chóng dẫn đến suy hô hấp cấp; ngoài ra còn có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy và có thể gây suy tạng, đặc biệt là suy thận nguy cơ tử vong cao.

Kế hoạch được chia thành 3 tình huống gồm tình huống 1 là chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam (ngành y tế sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm ca bệnh tại Việt Nam để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và các cán bộ y tế); tình huống 2 là xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào Việt Nam (ngành y tế sẽ tiến hành khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lân lay ra cộng đồng); tình huống 3 là dịch lây lan trong cộng đồng (đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lây lan rộng trong cộng đồng).

Kế hoạch nêu rõ để giảm các trường hợp mắc bệnh, ngành y tế tiếp tục tăng cường năng lực giám sát dịch bệnh MERS-CoV, đảm bảo đủ khả năng xét nghiệm chẩn đoán xác định, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có các biện pháp thu dung, điều trị, xử lý kịp thời; đẩy mạnh việc kiểm soát tình hình dịch bệnh tại các cửa khẩu, hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia, tại các bệnh viện và cộng đồng. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác phòng hộ cá nhân cho các cán bộ y tế trong việc khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân để tránh lây nhiễm; củng cố và duy trì hoạt động của đội cơ động phòng chống dịch tại đơn vị y tế.

Bên cạnh đó, ngành y tế thiết lập các mạng lưới bệnh viện sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân MERS-CoV; có kế hoạch mở rộng các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân theo từng tình huống dịch để tránh quá tải; thực hiện nghiêm ngặt việc phân luồng khám bệnh, cách lý, điều trị, công tác chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo tại các bệnh viện; rà soát, cập nhật và bổ sung hướng dẫn chẩn đoán, điều trị MERS-CoV...

Bộ Y tế nhận định căn cứ và đặc điểm tình hình dịch tễ của bệnh, nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng là rất lớn nếu không chủ động các biện pháp phòng chống.

Nguyên nhân là do MERS-CoV lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần; đặc biệt đã ghi nhận các trường hợp là các cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân. Bệnh đã lây truyền từ một số nước Trung Đông sang các quốc gia khác.

Hiện bệnh chưa có vắcxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa lây truyền tại cộng đồng...

Ảnh minh họa



TP.HCM: Thành lập 4 đội cơ động phòng,chống dịch bệnh Mers- CoV

Theo Phó Giám đốc Sở y tế TP HCM, ông Nguyễn Hữu Hưng, việc tăng cường giám sát sẽ tập trung theo 3 khu vực: Sân bay, bến cảng; bệnh viện và tại cộng đồng.

Đã có 4 đội cơ động phản ứng nhanh cấp thành phố được thành lập từ đợt phòng chống dịch Ebola, nay tại các quận huyện sẽ tiếp tục kiện toàn thêm từ 1-2 đội cơ động/quận, huyện kịp thời phát hiện, hướng dẫn người bệnh, cách ly và đưa tới nơi điều trị kịp thời.
 
Ông Hưng cũng khẳng định, cho tới thời điểm này,  TP HCM vẫn đang ở tình huống I, tức chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh Mers-Cov.

Theo ông Hưng, Mers-Cov là bệnh dịch rất nguy hiểm, chủ động phòng bệnh, người dân cần thực hiện triệt để các khuyến cáo của ngành Y tế.

Trong đó có hạn chế đi tới các nước đang có dịch thời điểm này, nếu buộc phải tới thì cần tìm hiểu trước thông tin dịch tễ tại nơi đến để có chủ động phòng chống bệnh. Thực hiện vệ sinh cá nhân thường xuyên: rửa tay xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có chứa cồn, đặc biệt sau khi hắt hơi, ho hoặc chùi mũi; hạn chế tiếp xúc với người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, khi cần tiếp xúc thì đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách tiếp xúc.


Kim Thảo

Ý kiến bạn đọc