(VnMedia) - Khi trẻ 3-4 tuổi không nói được câu 4-5 từ, không thể trả lời một số câu hỏi, lời nói khó hiểu với cha mẹ, nói lắp, không làm theo lời hướng dẫn... là những dấu hiệu cha mẹ cần lưu ý.
Trẻ chậm nói là do rối loạn phát triển về ngôn ngữ, hiện tượng này khiến nhiều bậc cha mẹ thực sự lo lắng không biết nguyên nhân làm sao mà khiến mình bị như vậy. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ chậm nói : có thể do khi mẹ mang thai có những biểu hiện bất thường, hay do trẻ sống trong môi không hòa nhập, hoặc do các chấn thương ... một nguyên nhân nữa khiến các bà mẹ lo ngại đó chính là bé nhà mình chậm nói có thể bé đã mắc bệnh tự kỷ. Vậy làm thế nào để nhận biết những nguyên nhân, dấu hiệu của trẻ chậm nói để phát hiện bệnh và có hướng điều trị phù hợp.
Chuyên gia Âm-Ngữ trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 Hà thị Kim Yến cho biết, thực tế, đúng là mỗi trẻ đều có một mức độ phát triển khác nhau phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, hoàn cảnh sống, cách giáo dục của bố mẹ…Để có thể có những can thiệp kịp thời, không để bé bị chậm phát triển về nói, chúng ta phải phát hiện sớm, kiến thức về quá trình phát triển kỹ năng giao tiếp bằng lời nói sẽ giúp cho phụ huynh biết trẻ của mình đang ở đâu – bình thường hay chậm hơn so với chuẩn.
Quá trình phát triển nghe – nói được xây dựng từ lúc trẻ còn rất nhỏ, và từng giai đoạn nếu trẻ có biểu hiện phát triển chậm hoặc không phù hợp là cần phải can thiệp chứ không chờ đến 3-4 tuổi.
Ảnh minh họa.
Dưới đây là các dấu hiệu báo động mà phụ huynh chúng ta nên lưu ý nhé:
Trẻ từ 0-12 tháng tuổi
Không bập bẹ: bập bẹ là trẻ có thể phát ra một chuỗi các âm thanh như “baba”, “măm măm”
Không bắt chước động tác hoặc âm thanh con vật, đồ vật như ò ó o (tiếng gà gáy), gâu gâu (tiếng chó sủa), ụm-bò (tiếng bò kêu).
Khó cho ăn (6-12 tháng): chỉ bú bình, không thể đút muỗng.
Không cùng chú ý: không nhìn theo hướng ba/mẹ muốn chỉ trỏ cho bé thấy.
Không đáp ứng khi gọi tên: khi bé đượ 6 tháng tuổi, gọi tên bé biết quay lại.
Có bệnh sử nhiễm trùng tai, viêm tai giữa tái đi tái lại
Trẻ từ 1-2 tuổi
Giới hạn từ vựng (2 tuổi có khoảng 250 từ): vốn từ diễn đạt rất ít, chỉ dùng được vài từ để giao tiếp.
Không thể nghe – hiểu làm theo một yêu cầu đơn giản, ví dụ “ Đưa mẹ gấu bông!”.
Nói lắp thường xuyên.
Có những kiểu chơi rập khuôn lập đi lập lại, khác thường, ví dụ như chơi quay quay bánh xe đồ chơi, ít tương tác với mọi người xung quanh.
Khó cho ăn.
Trẻ từ 2-3 tuổi
Không nói được cụm từ 2-3 từ, ví dụ “Ba đi chơi!”.
Người lạ chỉ hiểu được 50% những gì bé nói.
Nói lắp.
Không làm theo lời hướng dẫn .
Có những kiểu chơi khác thường, tương tác xã hội kém.
Trẻ từ 3-4 tuổi
Không nói được câu 4-5 từ ví dụ ” Con muốn đi chơi”.
Không thể trả lời một số câu hỏi.
Lời nói khó hiểu với ba mẹ.
Nói lắp.
Không làm theo lời hướng dẫn.
Có những kiểu chơi bất thường, tương tác xã hội kém.
Một cách khác, để trẻ thông minh phát triển tốt kỹ năng giao tiếp bằng lời nói, mời phụ huynh tham khảo mô hình “Ngôi nhà giao tiếp” minh họa cho sự phát triển kỹ năng giao tiếp bằng lời nói, trong đó kỹ năng giao tiếp bằng lời là giai đoạn sau khi các kỹ năng khác như kỹ năng tập trung chú ý, kỹ năng bắt chước, kỹ năng giao tiếp không lời (giao tiếp bằng cử chỉ, điệu bộ) và khả năng nghe – hiểu.
Khi một bé đã có các dấu hiệu chậm nói so với trẻ bình thường khác, các phụ huynh nên cho bé đến gặp các nhà chuyên môn để kiểm tra các vấn đề sức khỏe liên quan đến kỹ năng giao tiếp nói chuyện của bé. Các nhà chuyên môn chúng ta cần gặp là:
- Bác sĩ Tai-Mũi-Họng, bác sĩ sẽ tìm các bệnh lý liên quan làm bé chậm nói như bệnh viêm tai giữa, dị tật tai, vấn đề bất thường về thần kinh thính giác.
- Bác sĩ thính học, bác sĩ này sẽ thực hiện các kiểm tra thính lực để bảo đảm sức nghe của bé bình thường, vì bé có nghe rõ thì mới học nói được.
Nhà trị liệu ngôn ngữ, họ sẽ lượng giá mức độ phát triển về nghe-nói của bé, tìm ra các vấn đề khó khăn trong giao tiếp, hoặc phát hiện các khiếm khuyết nguyên nhân làm cho bé chậm nói, từ đó lên kế hoạch can thiệp cho bé và tư vấn cho gia đình.
Ý kiến bạn đọc