(VnMedia) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, tính đến ngày 2/6, Hàn Quốc ghi nhận 25 trường hợp nhiễm MERS-CoV trong đó có 2 người tử vong. Mới đây, Trung Quốc cũng ghi nhận ca mắc đầu tiên. Như vậy, đến nay, MERS-CoV đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới với 1.154 trường hợp nhiễm và 434 người tử vong.
Trước số ca mắc và tử vong do MERS-CoV, Bộ Y tế đã chính thức áp dụng tờ khai y tế đối với du khách đến từ Hàn Quốc. Dịch MERS-CoV có thể xâm nhập và lây lan vào nước ta bất cứ lúc nào. Virus MERS-CoV có thể thông qua công dân Việt Nam đi công tác, lao động, học tập trở về từ vùng có dịch.
Bắt đầu từ hôm nay 3/6, Bộ Y tế chính thức áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ Hàn Quốc tại cửa khẩu quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Trước đó, Bộ Y tế đã áp dụng tờ khai y tế đối với người nhập cảnh đến từ chín nước khu vực Trung Đông.
Tại sân bay, Trung tâm Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế sẽ kiểm tra thân nhiệt của các hành khách. Nếu phát hiện hành khách có thân nhiệt cao, Trung tâm cách ly, theo dõi, sau đó tiếp tục kiểm tra thân nhiệt. Nếu hành khách vẫn sốt cao và có nghi ngờ sẽ báo cho các bộ phận liên quan cùng phối hợp để xử lý theo đúng quy trình. Trung tâm có thể chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bắc Thăng Long, ca nặng có thể đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế- Nguyễn Thanh Long, dịch MERS-CoV rất nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Dịch bệnh đang lưu hành tại các quốc gia vùng Trung Đông và sẽ tiếp tục ghi nhận ca bệnh tại quốc gia khác. Hơn nữa, điều đáng ngại là tốc độ gia tăng MERS-CoV tăng nhanh trong năm 2014 và đầu năm 2015, nguồn lây được thấy rõ hơn từ người sang người.
Trong trường hợp áp dụng tờ khai y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị phải giải thích và tạo điều kiện tốt nhất để hành khách hiểu và hợp tác, tránh việc áp dụng tờ khai này gây ùn tắc, phiền hà cho hành khách.
Trước mắt, Bộ Y tế sẽ áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách đến từ Hàn Quốc. Nếu có vấn đề liên quan, Bộ sẽ mở rộng hành khách cần kiểm tra, đồng thời sẽ chủ động được tình huống về vận chuyển, cách ly những khách nghi ngờ hoặc mắc bệnh.
Họp ban chỉ đạo phòng chống dịch MERS-CoV. |
Dịch Mers-Cov nguy hiểm như thế nào?
Các chuyên gia cho biết, vi rút MERS-CoV thường gây ra các biểu hiện bệnh lý của đường hô hấp trên và đường tiêu hóa ở người và một số loài động vật.
Ở người, vi rút MERS-CoV thường gây biểu hiện cảm cúm thông thường (sốt trên 38 độ C, ho, khó thở, đau nhức cơ thể, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển) dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh XQuang tổn thương phổi ở các mức độ khác nhau và kèm theo có hội chứng suy thận cấp) kèm tiêu chảy.
Điều đáng ngại là, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì biểu hiện của bệnh tương tự như các bệnh viêm đường hô hấp khác, như bệnh cúm thông thường thậm chí nhiều trường hợp nhiễm MERS-CoV nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên sẽ rất khó cho bác sĩ trong việc chẩn đoán. Vì thế, công tác giám sát trong bệnh viện hết sức quan trọng.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết thêm, vi rút MERS-CoV có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua tiếp xúc gần hoặc giọt nước bọt nhỏ. Việc lây nhiễm sang cán bộ y tế đã được xác định tại một số chùm ca bệnh ở Ả Rập Xê Út, Jordan.
Bệnh thường hay xảy ra vào mùa đông và đầu mùa xuân. Loại vi rút Corona gây bệnh ở người được nói tới nhiều nhất là SARS-CoV gây ra bệnh SARS. Vi rút này có thể gây bệnh ở cả đường hô hấp trên và hô hấp dưới, ngoài ra còn có thể gây viêm dạ dày ruột. Gần đây, một chủng vi rút Corona mới được phát hiện (human betacoronavirus 2c - HcoV-EMC) có thể gây ra nhiễm trùng hô hấp nặng kèm theo suy thận ở người.
Đối với hội chứng viêm đường hô hấp vùng Trung Đông do vi rút Corona (MERS-CoV) là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Mới đầu giới khoa học gọi nó là virus mới giống SARS vì cùng họ Corona. Tuy nhiên, nó nguy hiểm hơn SARS vì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 40% - trong khi SARS chỉ là 10%.
Hà Nội tăng cường chủ động phòng chống dịch MERS-CoV
Chiều 2/6, Sở Y tế Hà Nội họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn trong thời gian tới, đặc biệt là phòng chống dịch MERS-CoV (Hội chứng viêm đường hô hấp ở Trung Đông do virus Corona) đang diễn biến phức tạp trên thế giới.
Để chủ động đề phòng và đối phó với dịch MERS-CoV, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền yêu cầu toàn ngành khởi động lại mọi hoạt động liên quan đến công tác phòng chống dịch MERS-CoV đã được đề xuất từ năm 2014, chủ động lập kế hoạch cụ thể về việc chuẩn bị hóa chất, thuốc men, dịch truyền, trang thiết bị y tế, trang thiết bị bảo hộ để chủ động đối phó khi xảy ra dịch bệnh.
Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế tăng cường rà soát, giám sát chặt chẽ những đối tượng nhập cảnh vào Việt Nam từ những vùng có dịch, đặc biệt cần thực hiện nghiêm túc yêu cầu kê khai y tế đối với khách từ Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các trung tâm y tế quận, huyện cần tăng cường công tác tuyên truyền tới người dân về dịch bệnh MERS-CoV, khuyến cáo người dân khi có các triệu chứng ho, sốt kéo dài cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Ý kiến bạn đọc