(VnMedia) - BS. Phạm Bá Hiền, Bệnh viện đa khoa Đống Đa cho biết, n gộ độc thức ăn là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống phải những loại thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây ngộ độc hoặc thức ăn bị biến chất, ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia... nó cũng có thể coi là bệnh truyền qua thực phẩm, là kết quả của việc ăn thực phẩm bị ô nhiễm.
Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm làm ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, nếu không phát hiện và xử trí phù hợp và kịp thời có thể dẫn tới từ vong.
"Thủ phạm" gây ngộ độc thực phẩm
Theo BS. Phạm Bá Hiền, nguyên nhân chính của ngộ độc thực phẩm là do ăn, uống thực phẩm đã bị nhiễm khuẩn (vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng, nấm) hoặc bị ô nhiễm hoá học (kim loại nặng; độc tố vi khuẩn, nấm...).
Sinh vật truyền bệnh, bao gồm cả vi khuẩn khác nhau, vi rút và ký sinh trùng hoặc độc tố, dịch tiết của chúng là nguyên nhân phổ biến nhất. Các loại vi khuẩn gây nhiễm khuẩn cho thực phẩm có thể tồn tại khắp mọi nơi trong không khí, đặc biệt khi thời tiết những ngày hè nắng nóng hay giao mùa cũng làm cho vi khuẩn trong thức ăn phát triển nhanh hơn, nguy cơ mắc bệnh ngộ độc thực phẩm cũng thường xuyên xảy ra.
Ảnh minh họa.
Ai có nguy cơ mắc bệnh
BS. Phạm Bá Hiền cảnh báo, những người sau đây dễ mắc ngộ độc thực phẩm:
- Ăn thịt gỏi hay thịt chưa nấu chín kĩ;
- Ăn cá và hải sản (sò, trai, nghêu, cua, ghẹ) tươi sống hay chưa nấu chín kĩ;
- Ăn các món có trứng gà chưa hoàn toàn được nấu kĩ;
- Ăn uống nước trái cây chưa được diệt khuẩn;
- Uống sữa và các sản phẩm từ sữa chưa qua diệt khuẩn;
- Tập quán ăn uống không hợp vệ sinh;
- Sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm;
- Hay ăn rau sống, uống nước đá không đảm bảo vệ sinh...
Các loại ngộ độc thực phẩm
- Nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm do Salmonella: hay gặp trong các bếp ăn tập thể như ở trường học bán trú, các xí nghiệp sản xuất, các buổi liên hoan hay lễ cưới... Khả năng gây bệnh của nhóm này yếu nên để gây bệnh cần phải có một lượng lớn thức ăn. Bệnh thường xảy ra trong vòng vài giờ đến một ngày sau khi ăn các thực phẩm bị nhiễm loại vi khuẩn này. Các triệu chứng xuất hiện thường sau 12 - 14 giờ sau khi ăn thực phẩm có chứa vi khuẩn gây bệnh, bệnh nhân có các biểu hiện như: đau bụng, nôn, tiêu chảy, toàn thân bị lạnh rồi sốt, suy nhược cơ thể. Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm do vi khuẩn E.coli: vi khuẩn E.coli thường nhiễm vào đất, nước… từ phân của động vật. Khi nhiễm vi khuẩn này thông qua thức ăn thì người bệnh sẽ ủ bệnh từ 2 - 20 giờ. Các triệu chứng của bệnh như: đau bụng dữ dội, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, ít khi nôn mửa, có thể sốt nhẹ. Trường hợp nặng có thể sốt cao, người mệt mỏi, chân tay co quắp, vã mồ hôi. Thời gian khỏi bệnh khoảng vài ngày. Nguyên nhân do vi khuẩn E.coli vào cơ thể với số lượng lớn và cơ thể đang suy yếu.
- Nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm do thức ăn bị biến chất, ôi thiu: khi con người ăn những loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thức ăn chưa được nấu chín kỹ, các món gỏi, rau chưa được rửa sạch, các thức ăn biến chất, ôi thiu, ươn, bị bốc mùi... sẽ rất dễ có nguy cơ bị bệnh. Các biểu hiện như: choáng váng, đau bụng, tiêu chảy, nóng bừng mặt, ngứa ngáy ở cổ và mặt, chảy nước mắt ngay sau khi ăn vài giờ đồng hồ. Bệnh nhân cần phải được cấp cứu và điều trị kịp thời tại các cơ sở y tế.
Ngoài các nguyên nhân là các vi sinh vật thì các chất hoá học sử dụng trong công nghiệp (chì, thuỷ ngân...), trong nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, động vật, thuốc tăng trưởng...), các chất phụ gia sử dụng trong bảo quản và chế biến thực phẩm (nhằm giữ cho thực phẩm được tươi lâu, tạo màu, tạo mùi, tạo vị...), một số độc tố tự nhiên sẵn có trong thực phẩm (mầm khoai tây, trong nấm, sắn, măng...). Ý thức sản xuất đảm bảo vệ sinh thực phẩm của nhiều người còn yếu kém khiến thị trường đầy rẫy các sản phẩm có khả năng gây nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm cho người sử dụng: rau quả nhiễm thuốc trừ sâu, trái cây ngâm tẩm hoá chất độc hại để bảo quản, thịt cá tồn dư thuốc kháng sinh và chất tăng trọng, thực phẩm chế biến sẵn có chứa hàn the và formol, bánh kẹo và nước giải khát có pha phẩm màu công nghiệp...
Dấu hiệu bị ngộ độc thực phẩm
- Có thể có sốt hoặc không;
- Đầy bụng, sôi bụng;
- Đi ngoài phân lỏng nhiều lần, phân nhiều nước, nôn (ra thức ăn hoặc dịch dạ dày);
- Người mệt nhiều, có thể có biểu hiện chuột rút;
- Có các biểu hiện mất nước các mức độ (khát nước, da khô, da nhăn nheo, mặt hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ có khi không đo được huyết áp);
- Tiểu ít hoặc vô niệu, suy thận...;
- Có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị ngộ độc, t ốt nhất là sớm cho người bệnh uống Oresol ngay từ khi bị bệnh hoặc khi được phát hiện. Các trường hợp nặng thì nên khẩn cấp cho bệnh nhân vào bệnh viện để được nhanh chóng bồi phụ nước và điện giải theo đường truyền tĩnh mạch. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải theo chỉ định của thầy thuốc.
Cách phòng tránh ngộ độc thực phẩm
- Phải đảm bảo từ việc lựa chọn thực phẩm đến quá trình chế biến đảm bảo vệ sinh cho đến ăn uống phải đảm bảo phương châm "Ăn chín, uống sôi".
- Khi mua thực phẩm cần chọn các thực phẩm tươi sống, tránh dùng thực phẩm kém chất lượng (ôi, thiu, ươn...), không dùng thực phẩm đã hết hạn sử dụng. Thực phẩm tươi sống (rau quả, thịt, cá...) và đặc biệt là các loại thực phẩm chế biến sẵn chỉ nên mua ở các cửa hàng có tín nhiệm và nắm được nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm.
- Bảo quản kỹ lưỡng những thực phẩm chưa chế biến.
- Làm chín thức ăn ở nhiệt độ thích hợp: các loại thực phẩm cần được nấu chín trước khi ăn. Chỉ ăn uống thực phẩm đã chín kỹ. Nên ăn thức ăn ngay sau khi thức ăn được nấu chín. Dụng cụ dùng để pha chế và nấu nướng cần tách bạch rõ loại sống và chín. Với thức ăn đã được chế biến sẵn, cố gắng rút ngắn thời gian từ lúc chế biến đến khi được sử dụng càng ngắn càng tốt.
- Rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm và thường xuyên giữ sạch tay trong quá trình chế biến, rửa tay sau khi đi vệ sinh. Đây là một biện pháp đơn giản và hữu hiệu để phòng tránh nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm. Đối với dụng cụ chế biến cần rửa lần đầu bằng xà phòng với nước ấm 45 đến 50 độ C, rửa lại lần hai bằng nước ấm.
- Khi đi ăn ở ngoài (quán cơm bụi, hàng rong…) cần chú ý không ăn ở những quán quá ẩm thấp, bụi bẩn, bàn ghế, bát đũa không sạch sẽ.
- Nguồn nước ăn uống, sinh hoạt của các gia đình phải được bảo vệ sạch sẽ, các dụng cụ chứa nước phải có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như (ao, hồ, sông, suối...) chảy vào.
Ý kiến bạn đọc