(VnMedia) - Viêm gan B là một bệnh gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do vi rút viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm vi rút viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.
Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.
Theo các chuyên gia, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.
Vi rút viêm gan B lây truyền như thế nào?
- Lây từ mẹ qua con (chu sinh): Trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm vi rút viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền vi rút từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng.
- Lây truyền từ trẻ qua trẻ: Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Vi rút viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ.
- Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: Tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của vi rút viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia.
Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.
Tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh. Ảnh minh họa.
Trẻ sơ sinh có thể tiếp xúc với vi rút viêm gan B như thế nào?
Trong giai đoạn mang thai rất hiếm xảy ra lây truyền từ mẹ sang con, không quá 2%. Vi rút viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này, khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Nếu mẹ bị nhiễm có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sẽ bị lây truyền; hoặc mẹ nhiễm chỉ có HBsAg+ thì khả năng lây truyền là 10%. Vi rút có thể truyền sang trẻ khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc.
Tại sao phải tiêm vắc xin trong 24 giờ sau sinh?
Đây là cách tốt nhất để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ chết vì ung thư gan và xơ gan.
Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày.
Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh SỚM được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu.
Tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với vi rút ngay khi sinh, đây là một sự cạnh tranh giữa sự nhân lên của vi rút và vắc xin tạo ra kháng thể kịp thời trung hòa vi rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ.
Việc tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh ở Việt Nam có phải là chủ trương của Bộ Y tế?
Nếu không tiêm vắc xin viêm gan B được trong vòng 24 giờ sau khi sinh thì có thể tiêm sau đó được không?
Tiêm vắc xin viêm gan B tốt nhất là trong 24 giờ đầu sau khi sinh, nếu không tiêm được thì cần tiêm sớm sau đó ngay khi có thể (tiêm trong vòng 7 ngày sau sinh).
Vắc xin viêm gan B có thể tiêm cùng 1 ngày với các vắc xin khác mà không ảnh hưởng đến sự đáp ứng miễn dịch của vắc xin.
Tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh có sớm quá không?
Tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh không phải là can thiệp đầu tiên đối với trẻ sơ sinh. Tại các cơ sở y tế trẻ vẫn được tiêm vitamin K cho trẻ ngay sau khi sinh. Vắc xin BCG phòng lao cũng được khuyến cáo nên tiêm sớm sau sinh.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và chỉ đạo của Bộ Y tế, vắc xin viêm gan B cần được tiêm cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh.
Tuy nhiên trẻ mới sinh cũng cần có thời gian thích nghi với môi trường bên ngoài, sự ổn định nhịp thở, da hồng, bú tốt là những dấu hiệu chứng tỏ một trẻ khỏe mạnh, khi đó có thể tiêm vắc xin mà vẫn đảm bảo trẻ được tiêm trong vòng 24 giờ sau khi sinh.
Những trường hợp nào không nên tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh?
- Trẻ đang ốm, sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
- Trẻ đẻ non, cân nặng thấp, đẻ khó, mẹ bị sốt trước và sau khi sinh, nước ối bẩn, con bị ngạt, thai già tháng, trẻ dị tật ... cần được thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên.
Tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ sau khi sinh có thể gặp những phản ứng gì ?
- Vắc xin viêm gan B rất an toàn và đã được tiêm ở nhiều nước trên thế giới.
- Sau khi tiêm có thể có các phản ứng thông thường như đau tại chỗ tiêm là 3 – 9%, sốt trên 37,7 độ C là 0,4 đến 8%.
- Sốc phản vệ là phản ứng hiếm gặp được ghi nhận với tỷ lệ ước tính là 1 trường hợp trên 600.000 đến 1.000.000 liều vắc xin.
Làm thế nào để phát hiện sớm phản ứng sau tiêm vắc xin viêm gan B?
- Các bà mẹ cần biết con mình đã được tiêm vắc xin viêm gan B.
- Sau tiêm trẻ cần được theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và dặn bà mẹ theo dõi ít nhất một ngày (24 giờ) sau khi tiêm.
- Sau tiêm trẻ có thể quấy khóc hơn, các bà mẹ nên chú ý đến trẻ hơn và cho trẻ bú khi trẻ thức, không nên nằm cho trẻ bú.
- Sau tiêm trẻ có thể có phản ứng thông thường như sốt, đau hoặc sưng tấy tại chỗ tiêm, quấy khóc .... Các bà mẹ cần cho trẻ bú nhiều hơn hoặc uống nhiều nước, chườm mát và theo dõi trẻ.
- Đưa trẻ tới cơ sở y tế nếu phản ứng kéo dài hơn một ngày hoặc phản ứng trở nên nghiêm trọng hơn như trẻ sốt cao hay có những biểu hiện khác thường như quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bú ít, bỏ bú...
Ý kiến bạn đọc