(VnMedia) - Hiện nay, thanh toán theo phí dịch vụ là phương thức chi trả chủ yếu tại các cơ sở y tế của Việt Nam. Tuy nhiên, thanh toán theo phí dịch vụ có hạn chế là dần tạo ra cơ chế cung ứng quá mức cần thiết các dịch vụ y tế. Hệ quả dẫn đến gia tăng chi phí, mất cân đối thu chi và lãng phí nguồn lực của xã hội, nhất là trong bối cảnh thực hiện tự chủ như hiện nay, các bệnh viện có xu hướng tăng dịch vụ để tăng nguồn thu.
Hiện nay, thanh toán theo phí dịch vụ là phương thức chi trả chủ yếu tại các cơ sở y tế của Việt Nam. Hệ quả dẫn đến gia tăng chi phí, mất cân đối thu chi và lãng phí nguồn lực. Do vậy, Bộ Y tế đã đề án xây dựng và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán.
Theo đó, Bộ Y tế đã tổ chức hội nghị triển khai đề án xây dựng và thí điểm phương thức chi trả chi phí khám chữa bệnh theo nhóm chẩn đoán liên quan.
Nhóm chẩn đoán liên quan phân loại từng trường hợp bệnh theo chẩn đoán và các đặc điểm khác của người bệnh như tuổi, giới, mức độ nặng nhẹ của bệnh, bệnh đi kèm và các thủ thuật được thực hiện.
Khám chữa bệnh sẽ được chi trả theo nhóm chẩn đoán. Ảnh minh họa. |
Đề án được xây dựng trên nguyên tắc: Đảm bảo cân bằng thu chi quỹ BHYT, cân bằng trong phân bổ quỹ, xây dựng giá đầy đủ chi phí; Nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, năng lực quản lý và hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế; Phù hợp với xu hướng quốc tế; Giải quyết các hạn chế, vướng mắc của các phương thức chi trả khác và góp phần phát triển y tế cơ sở.
Đề án sẽ được triển khai theo tiến độ: năm 2015 nghiên cứu xây dựng phương thức thanh toán theo nhóm chẩn đoán cho toàn bộ các bệnh, nhóm bệnh; năm 2016 – 2017 triển khai thực hiện thí điểm tại các cơ sở khám chữa bệnh của tỉnh Ninh Bình; năm 2018 – 2019 áp dụng thí điểm tiếp cho bốn tỉnh: Hà Nam, Quảng Bình, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu; trên cơ sở đó, năm 2020 sẽ đánh giá và xem xét áp dụng rộng rãi trong cả nước
Ưu điểm của phương thức thanh toán theo nhóm chẩn đoán liên quan là phân nhóm các can thiệp giúp giải quyết chi phí, giá tương đối; tiết kiệm chi phí điều trị trên một bệnh nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động ở cấp độ bệnh viện; tiết kiệm tối đa chi phí điều trị (thời gian nằm viện, giảm tối đa các xét nghiệm...); đảm bảo sự minh bạch và chất lượng hoạt động của nhà cung cấp dịch vụ và sử dụng nguồn lực.
Tuy nhiên phương thức thanh toán này cũng có những nhược điểm như có tác động tiêu cực tới mức độ điều trị và chất lượng dịch vụ; điều kiện triển khai, quản lý và kỹ thuật rất phức tạp...
Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cũng cho biết, trước đây Bộ Y tế cũng đã nghiên cứu thử nghiệm phương thức thanh toán theo nhóm trường hợp bệnh dựa theo quy trình chuyên môn tại hai bệnh viện cho bốn bệnh thường gặp (bao gồm: đẻ thường, viêm phổi người lớn, viêm phổi trẻ em và viêm ruột thừa) từ năm 2009 và tiếp tục xây dựng thí điểm cho 26 bệnh thông thường, có tần suất lớn, chiếm tỷ trọng chi phí cao tại 34 bệnh viện. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước, Bộ Y tế thấy rằng cần phải cây dựng và triển khai Đề án thỉ điểm phương thức chi trả này để đánh giá tác động của nó tới hệ thống thanh toán chi phí khám chữa bệnh trước khi áp dụng rộng rãi.
Thống nhất cao với chủ trương triển khai thực hiện Đề án xây dựng và thí điểm triển khai phương thức chi trả theo nhóm chẩn đoán, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Minh Thảo nhất trí với tiến độ triển khai và lưu ý, đây là một phương thức thanh toán mới, cần được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học để có kết quả chính xác.
Để triển khai hiệu quả Đề án, Bộ Y tế sẽ triển khai từng bước, có lộ trình thích hợp và xác định là một quá trình lâu dài; chi trả riêng cho những trường hợp đặc biệt (quá nặng, biến chứng nhiều, chi phí cao); xác định số nhóm chẩn đoán liên quan tối ưu; hệ thống dữ liệu tính toán chi phí phải được chuẩn hóa.
Ý kiến bạn đọc