(VnMedia) - Việc sử dụng rượu bia là nguyên nhân của các vấn đề bạo lực gia đình, nguyên nhân liên quan đến các bệnh không lây như tim mạch, huyết áp, gan…
Đây là thông tin được PGS. TS Phạm Việt Cường (Trường đại học Y tế Công cộng) cho biết tại Hội thảo cung cấp thông tin liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/4 tại Hà Nội.
Rượu bia là nguyên nhân gây bạo lực giao đình. Ảnh minh họa. |
PGS.TS Phạm Việt Cường cho biết thêm, tác hại rượu bia trên quy mô toàn cầu, đó là gây ra 3,8% tỷ lệ tử vong và 4,6% tàn tật toàn cầu. Còn ở Việt Nam, lạm dụng rượu bia liên quan đến va chạm giao thông và tai nạn giao thông (khoảng 9.000 trường hợp tử vong hàng năm); có đến 30% các vụ gây rối nơi công cộng liên quan đến rượu…
Dù có nhiều quy định liên quan đến hạn chế tác hại của rượu bia đã được ban hành nhưng sự tuân thủ của người bán và người sử dụng rất thấp. Thêm vào đó là việc triển khai, giám sát việc thực thi của cơ quan chức năng còn hạn chế.
Theo TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế ( Bộ Y tế), rượu bia là chất có cồn, gây nghiện nên người sử dụng rất dễ lệ thuộc. Lạm dụng rượu bia khiến con người không làm chủ được hành vi gây ra nhiều nguy hiểm. Rượu bia tạo gánh nặng cho nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Trong đó, phí tổn chi phí cho rượu bia bao gồm tiền mua rượu, bia và giải quyết những hậu quả từ rượu bia gây ra chiếm 3% - 8% GDP quốc gia. Đáng ngại là Việt Nam có xu hướng sử dụng, lạm dụng rượu bia ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.
Cùng quan điểm, ThS Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, những người trẻ tuổi bắt đầu uống rượu trước tuổi 15 thì về sau có thể phát sinh các vấn đề về bia rượu cao gấp 5 lần những người đợi đến 21 tuổi mới uống, đó là khả năng nghiện rượu cao gấp 4 lần và khả năng tham gia bạo lực thể chất cao gấp 6 lần sau khi uống; khả năng gây tai nạn xe cộ cao gấp hơn 6 lần do uống rượu bia; khả năng bị chấn thương gấp gần 5 lần sau uống.
Ths. Trần Thị Trang, cho rằng, sử dụng rượu bia của Việt Nam đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia. Trên thế giới, tiêu thụ rượu bia bình quân/người/năm là 6,2 lít và không thay đổi trong 15 năm qua, đạt ngưỡng bão hòa. Tại Việt Nam, con số này là 6,6 lít và đang có xu hướng gia tăng, dự báo đến năm 2025 là 7 lít/người/năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, rượu bia khi vào cơ thể thì chỉ có 2-8% bài tiết qua mồ hôi, nước tiểu, hơi thở, còn lại hấp thụ vào gan, thận; đặc biệt là gan là cơ quan đón nhận đầu tiên. Chất cồn này khi vào cơ thể cũng được ưu tiên phân hủy đầu tiên. Rượu bia không phải là đồ uống bình thường mà là loại đồ uống đã và đang gây các tổn hại cho bản thân người sử dụng cũng như toàn xã hội. Nó là nguyên nhân trực tiếp gây ra 30 mã bệnh và nguyên nhân cấu thành của 200 mã bệnh khác. Cùng với thuốc lá, rượu bia là tác nhân của ung thư, cao huyết áp, tim mạch và đột quỵ. Rượu bia là tác nhân duy nhất với hai bệnh là loạn thần, hội chứng rối loạn phát triển bào thai…
Ý kiến bạn đọc