(VnMedia) - Ngày nay, tiêm chủng hay tiêm vắcxin phòng bệnh trở nên rất quen thuộc đối với mọi người, mọi gia đình trên toàn thế giới. Tuy nhiên, hiểu rõ về vắc xin, khi nào nên tiêm phòng vắc xin và xử trí khi tiêm vắc xin thì không phải ai cũng biết.
Vắc xin là gì?
ThS BS Nguyễn Huy Luân, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, vắc xin là chế phẩm có tính kháng nguyên dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể. Các nghiên cứu mới còn mở ra hướng dùng vắc xin để điều trị một số bệnh.
Khi một kháng nguyên (vắc xin) xâm nhập vào cơ thể con người, cơ thể sẽ nhận biết được sự xâm nhập này và kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất tế bào lympho và các kháng thể tương ứng. Các tế bào nhớ lympho T và B giúp cơ thể cách chống lại bệnh trong tương lai. Kháng thể có 2 nhiệm vụ: tiêu diệt vi sinh vật và tồn tại trong máu trong một thời gian dài để bảo vệ cơ thể chống lại chính vi sinh vật đó trong những lần xâm nhập về sau.
Vắc xin là những chế phẩm được làm từ chính vi sinh vật (hoặc từ một phần cấu trúc) đã chết hoặc đã được làm yếu đi. Vì vậy, vắc xin rất ít có khả năng gây bệnh cho cơ thể.
Ảnh minh họa.
Vì sao cần phải tiêm vắc xin cho trẻ?
- Hệ thống miễn dịch của trẻ dưới 5 tuổi thường chưa hoàn chỉnh và sức đề kháng với bệnh cũng kém.
- Trẻ thường tiếp xúc không chọn lọc và dễ lây truyền bệnh nhất là ở môi trường nhà trẻ, trường học.
- Một số bệnh có khuynh hướng ngày càng gia tăng như SARS, H1N1, H5N1.
- Khả năng điều trị một số bệnh của y học hiện đại vẫn còn hạn chế, thậm chí ngay cả khi được điều trị kịp thời vẫn có thể để lại di chứng nặng hay tử vong.
Xét về kinh tế, tiêm chủng có tính lợi ích và hiệu quả cao vì nó giúp ngừa bệnh và giảm chi phí do phải nhập viện. Nhận định được tầm quan trọng của tiêm chủng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo tất cả các nước nên tiêm phòng cho trẻ em.
Tại Việt Nam, tháng 5/2013, Bộ Y tế đã quyết định tạm dừng tiêm vắc-xin Quinvaxem khi nhiều trường hợp tai biến sau khi tiêm chủng Quinvaxem và Viêm gan siêu vi B vào năm 2012 - 2013. Điều này khiến cho nhiều phụ huynh lo lắng và quyết định không cho trẻ đi tiêm chủng.
Tuy nhiên, sau đó bệnh sẽ bùng phát trở lại. Cụ thể, t ại Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2014, sau khi tỷ lệ tiêm ngừa sởi giảm, số ca mắc bệnh sởi đã tăng mạnh trên toàn quốc với trên 4.300 ca mắc bệnh sởi và 112 trường hợp tử vong.
Ai cần được tiêm chủng?
Mọi người đều cần chủng ngừa để được bảo vệ khỏi những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các đối tượng cần ưu tiên được chủng ngừa bao gồm:
- Trẻ em
- Thai phụ
- Phụ nữ trong tuổi sinh đẻ
- Người lớn mắc bệnh suyễn hay tâm phế mạn
- Tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với bệnh truyền nhiễm.
Những trường hợp không nên tiêm chủng
- Trẻ có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng sau lần tiêm chủng trước đó (như sốt cao trên 39độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái, khó thở).
- Trẻ có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan...). Trẻ bị suy giảm miễn dịch (HIV/AIDS, bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh) có chống chỉ định tiêm chủng các loại vắc-xin sống.
- Bộ Y tế cũng quy định rõ việc thực hiện tạm hoãn tiêm vắc-xin trong các trường hợp: trẻ mắc các bệnh cấp tính; trẻ sốt 37,5 độ C trở lên hoặc hạ thân nhiệt 35,5độ C trở xuống (đo nhiệt độ tại nách); trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ trường hợp trẻ đang sử dụng globulin miễn dịch điều trị viêm gan B); trẻ đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid (uống, tiêm) trong vòng 14 ngày; trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2 kg và những trường hợp khác theo hướng dẫn của các nhà sản xuất.
Các tình trạng không chống chỉ định tiêm chủng
- Các bệnh nhẹ không cần chống chỉ định tiêm chủng như: cảm lạnh, ho hay tiêu chảy mà không sốt.
- Tiêu chảy.
- Điều trị kháng sinh hay giai đoạn phục hồi của bệnh.
- Sinh non.
- Bú sữa mẹ.
- Suy dinh dưỡng.
- Mới tiếp xúc với bệnh nhiễm.
- Tiền căn dị ứng không đặc hiệu.
- Dị ứng với Penicillin hay các kháng sinh khác trừ Neomycin hay Streptomycin.
- Trong gia đình có người liên quan đến co giật do vắc-xin ho gà hay sởi.
- Gia đình có trẻ đột tử nghi liên quan đến vắc-xin DTP.
Những loại vắc xin cần được tiêm chủng
Hiện nay, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã có vắc xin phòng bệnh, nhờ đó số người bị những bệnh này đã giảm xuống rõ rệt. Một số bệnh cần chủng ngừa trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia gồm: lao, bại liệt, bạch hầu, uốn ván, ho gà, sởi và viêm gan siêu vi B. Chương trình áp dụng cho trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai và được thực hiện tại tất cả trạm y tế phường xã, các phòng khám sức khỏe trẻ em quận huyện và khoa sản của các bệnh viện công lập.
Ngoài ra, tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng, trung tâm y tế quận huyện còn thực hiện chủng ngừa nhiều loại vắc xin phòng bệnh như viêm gan siêu vi A, viêm gan siêu vi B, viêm não Nhật Bản, thương hàn, quai bị, sởi, rubella, thủy đậu (trái rạ), viêm màng não mủ do Haemophilus influenza type B (Hib), viêm màng não mủ do não mô cầu, cúm, viêm phổi, bại liệt, ung thư cổ tử cung… cho tất cả những người có nhu cầu.
Vì sao cần tiêm nhắc vắc xin?
- Đối với một số loại vắc xin (chủ yếu vắc xin bất hoạt), liều tiêm đầu tiên không cung cấp được khả năng miễn dịch lâu dài như vắc xin bảo vệ chống lại các vi khuẩn Hib – loại vi khuẩn gây viêm màng não. Vì vậy, cần tiêm nhắc để xây dựng khả năng miễn dịch hoàn chỉnh hơn và lâu dài hơn.
- Trong một số trường hợp khác, sau một thời gian, khả năng miễn dịch bắt đầu suy giảm, ví dụ như vắc xin ngừa DTaP, bảo vệ chống lại bạch hầu, uốn ván và ho gà… Vào thời điểm đó, ở trẻ 4 - 6 tuổi, tiêm nhắc lại một liều là việc cần thiết để tăng cường mức độ miễn dịch cho trẻ.
- Đối với một số loại vắc xin (chủ yếu vắc xin sống), kết quả nhiều nghiên cứu cho thấy để đáp ứng miễn dịch tốt nhất, tiêm nhiều hơn một liều là cần thiết cho tất cả mọi người. Ví dụ, sau khi tiêm một liều vắc xin ngừa sởi - quai bị - rubella, một số người có thể không phát triển đủ kháng thể để chống lại bệnh. Nhưng tiêm liều thứ hai đảm bảo hầu hết mọi người được bảo vệ.
- Với nhóm vắc xin ngừa cúm, cả người lớn và trẻ em (trên 6 tháng) đều phải tiêm định kỳ mỗi năm một liều. Đây là việc cần thiết vì virus cúm gây bệnh có thể biến đổi từ năm này sang năm khác.
Xử trí tác dụng phụ sau chủng chủng
Sau khi chủng ngừa, tùy theo loại tác dụng phụ mà chọn cách xử trí khác nhau.
- Đối với những phản ứng nhẹ như sưng, đau tại chỗ tiêm và sốt nhẹ, có thể xử trí tại nhà bằng cách cho uống Paracetamol và chườm lạnh chỗ tiêm.
- Đối với những phản ứng nặng hơn như sốt cao, co giật, tím tái… cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị thích hợp.
Đặc biệt lưu ý cần phải theo dõi trong 48 giờ các phản ứng sau tiêm vắc xin, nếu có da tím tái, thở mệt, sốt cao, trẻ khóc nhiều không dứt hay có những vấn đề bất thường khác thì phải đưa ngay đến các cơ sở y tế gần nhất.
Ý kiến bạn đọc