(VnMedia) - Tính đến 4/2015, cả nước đã ghép được tổng cộng 387 ca, trong đó có 218 ca ghép tự thân và 169 ca ghép đồng loại.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học về tế bào gốc toàn quốc lần thứ 3, được tổ chức từ 23-25/4/2015 do Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phối hợp với các Viện nghiên cứu, các bệnh viện lớn và một số trường Đại học trong toàn quốc tổ chức.
Một ca ghép tế bào gốc tại Viện Huyết học& Truyền máu Trung ương. |
Ở Việt Nam, năm 1995, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành ca ghép tế bào gốc đầu tiên để điều trị cho bệnh nhân bị bệnh máu. Đến nay, nhiều hoạt động liên quan tới tế bào gốc ở nước ta bao gồm: tổ chức các Trung tâm tế bào gốc, đào tạo cán bộ, tiếp nhận tế bào gốc, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị bệnh… đã phát triển mạnh mẽ trên cả nước. Nhiều cơ sở y tế triển khai nghiên cứu và ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện 19/8...
Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiến hành ghép tế bào gốc tạo máu điều trị bệnh từ năm 2006, cho đến nay (4/2015) đã tiến hành ghép được trên 150 ca bao gồm cả ghép tự thân và ghép đồng loại, đặc biệt đã có 02 ca được ghép từ máu dây rốn từ Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng của Viện.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Huyết học - Truyền máu Việt Nam: "Tế bào gốc đã và đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực điều trị, góp phần mang đến những hi vọng mới trong việc nâng cao sức khỏe con người. Khoa học về tế bào gốc đang đạt được những kết quả tốt đẹp và phát triển rất nhanh chóng ở mọi phương diện, góp phần tích cực vào công tác điều trị cho người bệnh".
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thị Xuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: Việc nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc của Việt Nam cũng đã từng bước tiến kịp và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện cụ thể của Việt Nam, để có thể phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn, giới khoa học trong lĩnh vực tế bào gốc nên tập trung cho việc cập nhật những kết quả nghiên cứu của các nước tiên tiến, vận dụng thành công của họ trong việc ứng dụng, triển khai tại Việt Nam. Đồng thời tập trung cho công tác đào tạo; đào tạo cần đầy đủ các kỹ thuật, chuyên ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ như miễn dịch, di truyền - sinh học phân tử...; gửi cán bộ đi đào tạo nước ngoài, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ về tế bào gốc.
Qua hội nghị sẽ có được những định hướng nghiên cứu phù hợp, những thông tin mới, những sự hợp tác mới để thúc đẩy kỹ thuật ghép tế bào gốc và nghiên cứu về tế bào gốc trong điều trị bệnh lên một tầm cao mới.
Ý kiến bạn đọc