(VnMedia) - Theo thông báo của Cơ quan đầu mối thực hiện Điều lệ y tế quốc tế (IHR) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, ở Y tế Đặc khu Hành chính Hồng Kông – Trung quốc ngày 23/2 thêm một người được xác nhận nhiễm cúm A(H7N9).
Đó là bệnh nhân là nam giới, 61 tuổi, người Hồng Kông; khởi phát triệu chứng ho, khó thở vào ngày 16/02/2015, đã đến khám bác sỹ tư cùng ngày; ngày 20/2/2015 phải đến khám cấp cứu tại bệnh viện chấn thương Queen Mary và nhập viện điều trị. Tiến triển bệnh nặng thêm và được chuyển vào khu điều trị tích cực, hiện đang trong tình trạng nguy kịch. Xét nghiệm bệnh phẩm hô hấp cho kết quả dương tính với cúm A(H7N9) tại phòng xét nghiệm tiêu chuẩn của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe (CHP).
Điều tra dịch tễ của CHP cho thấy bệnh nhân có tiền sử đi du lịch đến Zhangmutou, Đông Quan, tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ ngày 6-15/2/2015, vào ngày 14/2 bệnh nhân có mua 2 con gà thịt tại một khu chợ, trên cơ sở đó trường hợp này được ghi nhận nhiễm cúm A(H7N9) ngoài Hồng Kông. CHP đang tiếp tục giám sát, theo dõi ngững trường hợp có tiếp xúc với bệnh nhân.
Theo WHO đến nay, Thế giới ghi nhận tổng số 572 người nhiễm cúm A(H7N9) được báo cáo từ các quốc gia: 569 người từ Trung Quốc (bao gồm 4 người Đài Loan, 13 người Hồng Kông), 1 người từ Malaysia, 2 người từ Canada. Theo Ủy ban Y tế quốc gia và Kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc (NHFPC) báo cáo cập nhật mới nhất có 204 người nhiễm cúm A(H7N9) đã tử vong (204/572 chiếm tỷ lệ 36%).
WHO tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cúm A(H7N9) và thông tin kịp thời tới các Cơ quan đầu mối quốc gia (NFP) thực hiện IHR. Đến nay, qua đánh giá nguy cơ chưa thấy vi rút cúm A(H7N9) biến đổi và chưa có bằng chứng lây nhiễm từ người sang người.
Khuyến cáo của WHO:
Cho đến nay, WHO chưa khuyến cáo hạn chế đi lại giữa các quốc gia hoặc áp dụng biện pháp sàng lọc đặc biệt tại các cửa khẩu đối với dịch bệnh này. Tuy nhiên, WHO có một số khuyến cáo đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A(H7N9):
- Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm;
- Không nên tới khu vực giết mổ gia cầm;
- Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng;
- Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt;
- Đối với người xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần xem xét nghĩ tới do cúm A (H7N9).
- Các nước tiếp tục tăng cường giám sát cúm, bao gồm giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và xem xét cẩn thận bất kỳ trường hợp nhiễm trùng hô hấp khác thường. Đảm bảo báo cáo theo quy định của IHR (2005) và tiếp tục chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm của mỗi quốc gia.
Dấu hiệu nhiễm virus cúm A ( H7N9)
Triệu chứng bao gồm sốt, ho và khó thở. Tuy nhiên, các thông tin về biểu hiện đầy đủ của bệnh nhiễm cúm A ( H7N9) có thể gây nên vẫn còn hạn chế.
Cách lây truyền
Một số trường hợp đã được xác nhận là có tiếp xúc với động vật hoặc là môi trường động vật nhưng cho đến bây giờ virus này chưa được tìm thấy ở động vật. Vẫn chưa biết được những người này bị nhiễm như thế nào. Khả năng lây truyền từ động vật sang người đang được xem xét, cũng như là khả năng lây truyền từ người sang người.
Nhân viên y tế thường tiếp xúc với bệnh nhân với những bệnh nhiễm. Do đó, WHO khuyến cáo rằng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng được thực hiện phù hợp trong cơ sở y tế, và do tình trạng sức khỏe của nhân viên y tế đươc theo dõi kỹ. Cùng với những phòng ngừa chuẩn, nhân viên y tế chăm sóc cho những bệnh nhân bị nghi ngờ hoặc xác định bị nhiễm cúm A ( H7N9) nên được có những phòng ngừa thêm.
Có vaccine để phòng ngừa virus cúm A (H7N9) không?
Hiện tại, không có vaccine để phòng ngừa nhiễm cúm A (H7N9). Tuy nhiên, virus đã được phân lập và định danh từ những trường hợp trước đó. Bước đầu tiên trong việc bào chế vaccine là lựa chọn ứng viên virus mà nó có thể có trong vaccine. WHO, phối hợp với các đồng minh, sẽ tiếp tục định danh các virus cúm A ( H7N9) có sẵn để xác đinh các ứng cử viên virus tốt nhất. Những virus ứng cử viên vaccine này có thể sau đó được sử dụng để bào chế vaccine nếu bước này trở nên cần thiết.
Ý kiến bạn đọc