Uống rượu nhiều gây ngộ độc dây thần kinh thị giác

11:31, 31/03/2015
|

(VnMedia) - Tình trạng sử dụng rượu nhiều, thường xuyên và kéo dài ngày càng phổ biến tại Việt nam. Khi sử dụng rượu quá nhiều, quá trình chuyển hóa và thải trừ quá tải, lượng cồn trong máu quá cao và kéo dài sẽ gây ngộ độc và gây ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể như viêm loét đường tiêu hóa, tổn thương gan… đặc biệt gây giảm thị lực do ngộ độc dây thần kinh thị giác.

BS. ThS Nguyễn Thu Thủy, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, rượu (Alcohol) là hợp chất hữu cơ có chứa một hay nhiều nhóm OH. Có nhiều loại rượu: Etylic, Methylic, Isopropanol, Ethylenglycol, Rượu thường được sử dụng để uống là rượu etylic hay còn gọi là ethanol. Khi uống rượu vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết. Sau khi hấp thu, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%).

Có nhiều giả thuyết cho rằng tổn thương thần kinh thị giác là do: rượu làm thay đổi tính thấm của màng tế bào và ức chế chuyển hóa ôxy. Rượu gây độc gan làm suy giảm chức năng gan dẫn đến kém hấp thu vitamin A.

 
Dấu hiệu ngộ độc thần kinh:

- Gặp ở những người uống rượu nhiều, uống liên tục trong một thời gian dài
- Tổn thương gặp ở cả hai mắt
- Thị lực giảm từ từ, thị trường thu hẹp
- Đáy mắt: đĩa thị bình thường hoặc bạc màu phía thái dương, nếu tiến triển xấu có thể dẫn đến teo dây thần kinh thị giác

Các giả thuyết cho rằng tổn thương thần kinh thị giác là do thiếu dinh dưỡng, rượu làm thay đổi tính thấm của màng tế bào và ức chế chuyển hóa oxy, đồng thời có thiếu hụt kẽm do giảm hấp thu ở đường tiêu hóa nên tác động trực tiếp làm rối loạn dẫn truyền sợi thần kinh.

Ảnh minh họa


Tác động của cồn

Tác động tâm lý trực tiếp

Cồn làm giãn các mạch máu, đặc biệt là các mạch máu bên ngoài. Từ đó mà người ta có cảm giác ấm khi uống các loại thức uống có cồn. Khi đó việc điều chỉnh nhiệt lượng tự nhiên của cơ thể không còn hiệu lực nữa. Đồng thời cồn lại có tác dụng gây mê vì thế mà giá lạnh không còn cảm nhận được. Do đó uống cồn trong mùa đông có thể dẫn đến lạnh cóng cho đến chết.

 

Cồn kết hợp cùng với các thuốc uống và các loại chất gây nghiện khác cũng gây hại mạnh hơn và nhanh hơn là chỉ uống rượu đơn thuần.

 

Tác động đến bộ não và các tác hại khác

 

Tác động lớn nhất của các thức uống có cồn là các tác động lên hệ thần kinh. Với khối lượng từ trên 250 đến 500 ml thức uống có cồn, tùy theo tỷ lệ độ cồn có trong thức uống, có thể gây các trạng thái như sau:

 

Mức độ nhẹ (dưới 20% alcol với khối lượng tùy theo trọng lượng và trạng thái cơ thể): Chất cồn trọng thức uống có thể gây trạng thái bay bổng. Khi đó, người có trạng thái này không thể xác định được nhu cầu của chính mình, không thể biết mình cần gì và không cần gì. Thông thường, người ta vẫn gọi đây là trạng thái "ngà ngà say".

 

Mức độ trung bình (từ 20% đến dưới 45% alcol với khối lượng tùy theo trọng lượng và trạng thái cơ thể): Chất cồn tác động đến các vùng sâu của hệ thần kinh, gây trạng thái trì trệ ở toàn bộ các thùy quan trọng điều khiển các giác quan của não. Ở trạng thái "ngất ngây" này, con người mất khả năng điều khiển lý trí và tình cảm; chỉ còn lại khả năng tự vận động theo bản năng. Đây là trạng thái "say".

 

Mức độ nặng (trên 45% alcol với khối lượng tùy theo trọng lượng và trạng thái cơ thể): Cơ thể hoàn toàn mất điều khiển tại tất cả các tuyến thần kinh ngoại biên, mất cảm giác không gian và thời gian, mất ý thức; thậm chí rơi vào hôn mê. Đây là trạng thái "quá say" khi uống rượu.

Điều trị:

- Ngừng uống rượu
- Thuốc giãn mạch và vitamin nhóm B
- Dùng các thuốc thải độc ở gan
-  Nếu được điều trị ở giai đoạn sớm thị lực có thể phục hồi một phần
-  Giai đoạn muộn khi đã có teo dây thần kinh thị giác thị lực khó phục hồi.


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc