(VnMedia) - Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng, hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em đã được triển khai ở tất cả các xã phường của các tỉnh, thành phố với số lượng sử dụng hàng năm khoảng 35 – 40 triệu liều vắc xin để tiêm cho khoảng 1,6 triệu trẻ được sinh ra, riêng trong năm 2014 và đầu năm 2015, một chiến dịch tiêm vắc xin Sởi – Rubella lớn nhất từ trước đến nay đã được Chương trình Tiêm chủng mở rộng tiêm cho hơn 19 triệu trẻ an toàn.
Nhờ có Tiêm chủng mở rộng, Việt Nam đã thanh toán được bệnh Bại liệt, loại từ Uốn ván sơ sinh và giảm được hàng triệu trường hợp tử von ở trẻ em do các bệnh truyền nhiễm. Bên cạnh tiêm chủng mở rộng, trong thời gian gần đây có một lượng nhỏ trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ, tập trung chủ yếu ở một vài thành phố lớn.
Tuy nhiên thời gian vừa qua đã xảy ra hiện tượng thiếu vắc xin tiêm chủng dịch vụ, đặc biệt là vắc xin 6 trong 1 và 5 trong 1 do công ty Glaxo SmithKline và Sanofi Pasteur sản xuất vì gián đoạn cung cấp. Tình trạng này đã làm cho hoạt động tiêm chủng dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu của nhân dân đối với các loại vắc xin này, nhất là ở một số thành phố lớn như thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, gây bức xúc cho người dân và dư luận, dẫn đến tâm lý chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ, tạo nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở các khu vực này trong khi các vắc xin phòng các bệnh tương tự trong Chương trình tiêm chủng mở rộng luôn được Bộ Y tế bảo đảm đầy đủ và đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn và hiệu quả.
Để bảo đảm cho trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch và tránh tình trạng người dân không được tiêm chủng hoặc chờ đợi tiêm chủng các loại vắc xin dịch vụ, bên cạnh các chính sách dài hạn như chủ động sản xuất vắc xin trong nước, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc đề nghị các nhà sản xuất tăng số lượng nhập khẩu vắc xin tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam; yêu cầu các cơ sở tiêm chủng dịch vụ đảm bảo đủ vắc xin.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế của Nhà nước có tổ chức hoạt động tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ. Đây là giải pháp quyết liệt mà Bộ Y tế kiên quyết chỉ đạo thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận kịp thời với vắc xin phòng bệnh, không để tình trạng người dân không được tiêm chủng.
Tất cả các loại vắc xin lưu hành tại Việt Nam đều được cơ quan có thẩm quyền kiểm soát nghiêm ngặt từ quy trình sản xuất đến chất lượng để bảo đảm an toàn và hiệu quả khi sử dung.
Theo chuyên gia Tổ chức Y tế thế giới: “vắc xin sởi sản xuất tại Việt Nam an toàn và đạt chất lượng, được sản xuất bằng công nghệ của Nhật Bản và được Tổ chức Y tế thế giới hỗ trợ. Vắc xin Quinvaxem nhập khẩu cũng an toàn và chất lượng cao theo đánh giá của WHO”.
Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch là biện pháp hữu hiệu để phòng chống dịch bệnh nguy hiểm cho trẻ em và là quyền lợi của trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế khuyến cáo các gia đình có trẻ nhỏ đến tuổi tiêm chủng theo lịch của Chương trình tiêm chủng mở rộng phải đưa trẻ đi tiêm chủng các vắc xin tiêm chủng mở rộng, không chờ đợi vắc xin dịch vụ mà bỏ lỡ cơ hội tiêm chủng đúng lịch của trẻ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin đều an toàn như nhau.
"Hãy tiêm chủng vắc xin tiêm chủng mở rộng đúng lịch. Không trì hoãn. Không chậm trễ”
Ảnh minh họa.
Giữ ấm cho trẻ đúng cách khi đưa trẻ đi tiêm chủng
Hàng tháng các bà mẹ nhớ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không để trẻ bị trì hoãn vì như vậy làm mất cơ hội tiêm chủng vắc xin phòng bệnh cho trẻ. Trẻ không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản …
Bà mẹ cũng lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm chủng phải trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất đảm bảo chân, tay trẻ đủ ấm, không để trẻ bị gió lùa để trẻ không bị nhiễm lạnh. Trong trường hợp trời mưa phải đảm bảo trẻ không bị thấm nước mưa nhưng cũng không đùm trẻ quá kín bằng áo mưa, vải nilon dẫn đến không thoát được mồ hôi hoặc thiếu khí thở, đây là nguyên nhân trẻ dễ bị ngạt hoặc viêm phổi.
Đối với trẻ nhỏ rất dễ bị viêm đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản phổi, nguyên nhân do vi rút hoặc vi khuẩn, đây là bệnh rất nguy hiểm dễ dẫn đến biến chứng nặng và gây tử vong.
Ý kiến bạn đọc