Quá tải bệnh viện vì người dân vẫn khám vượt tuyến
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong quá trình thực hiện Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT, thành phố Hà Nội còn gặp một số những vướng mắc trong việc thanh quyết toán cho trường hợp bệnh nhân được viết giấy chuyển đến cơ sở khám chữa bệnh BHYT khác để thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh; Bệnh nhân có thẻ BHYT khám chữa bệnh vượt tuyến và được chỉ định nằm viện nhưng các đơn vị gặp khó khăn khi thanh quyết toán BHYT đối với các chi phí khám ngoại trú trước khi bệnh nhân được lập bệnh án vào điều trị nội trú; khó khăn về việc phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với một số cơ sở y tế của Bộ, Ngành quản lý, bệnh viện thuộc trường đại học cũng như việc quyết định phân tuyến của các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân; vướng mắc trong việc đảm bảo quyền lợi đối với các trường hợp khám chữa bệnh sản phụ khoa có giấy khám chữa bệnh.
Về vấn đề quá tải bệnh viện, hiện nay, Hà Nội đã cơ bản giải quyết được tình trạng người bệnh phải nằm ghép. Tuy nhiên, quá tải vẫn còn ở một số bệnh viện lớn, cụ thể là Bệnh viện Xanh Pôn 127,%, Ung bướu 144,1%, Tim 134,1%, Đông Anh 128,5%, Thanh Nhàn 109,5%; và tập trung tại một số chuyên khoa như khoa Nhi-Bệnh viện Đức Giang 265%, khoa Nghề nghiệp-Bệnh viện Thanh Nhàn 192,4%, khoa Ung bướu 180,6%, Ngoại thận tiết niệu 178,1%...; khoa Sơ sinh-Bệnh viện Đống Đa 175,2%, khoa Tiết niệu (173,7%); khoa Hậu sản thường-Bệnh viện Phụ sản 186,8%, khoa Sản bệnh lý 176%.
Nguyên nhân của tình trạng quá tải là do một số bệnh viện đang trong thời gian xây dựng nâng cấp cơ sở vật chất nên diện tích khoa phòng chật hẹp, không bố trí kê thêm giường bệnh hoặc cơ sở cũ không có khả năng mở rộng thêm diện tích. Bên cạnh đó là tâm lý người dân muốn đến khám chữa bệnh tại bệnh viện đầu ngành, bệnh viện tuyến thành phố kể cả những trường hợp đẻ thường, bệnh nhẹ…
Để giải quyết tình trạng này, Hà Nội đã tiến hành nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất một số bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Ba Vì… Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các bệnh viện Nhi, Truyền nhiễm, Bệnh viện Mê Linh. Song song với đó là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Tại từng đơn vị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện giảm quá tải, sắp xếp lại các khoa điều trị thường xuyên có tình trạng quá tải tạo điều kiện chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh.
Một số chuyên khoa, ngành y tế đã có biện pháp là ngay tại cơ sở khám chữa bệnh phải kê thêm giường; nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khoa khám bệnh tạo thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh và điều trị.
Ngành y tế đã tổ chức triển khai đề án bệnh viện vệ tinh của ngành y tế Hà Nội. Một số bệnh viện của Hà Nội đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương. Ngay tại trong ngành, hiện có 17 bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện Hà Nội. Các chuyên khoa đầu ngành sẽ thực hiện việc đào tạo, hướng dẫn cho các bệnh viện vệ tinh. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án bác sĩ gia đình tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế nâng cao năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở để người dân có thể tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ cơ sở.
Hà Nội cũng triển khai công tác luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới và Sở Y tế tăng cường giám sát để công tác luân chuyển thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả.
Về giá dịch vụ y tế, mặc dù Hà Nội đã điều chỉnh 2 lần viện phí, song để từng bước tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh, Bộ Y tế cần có hướng dẫn cụ thể, kịp thời để tăng nguồn kinh phí tái đầu tư cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ảnh minh họa. |
Tăng cường xã hội hóa y tế để giảm tải bệnh viện
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh Luật Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng. Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo quyết liệt và thông suốt từ thành phố đến cơ sở, có sự vào cuộc của chính quyền địa phương.
Năm 2014, tỷ lệ độ bao phủ bảo hiểm y tế đạt tương đối cao, ở mức 72,5%. Bên cạnh đối tượng chính sách người có công, Hà Nội đã bổ sung thêm 4 đối tượng tham gia bảo hiểm y tế kèm theo tài chính hỗ trợ.
Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã làm tốt công tác tham mưu cho thành phố, thu hút được sự quan tâm tham gia của các sở, ban, ngành. Giá dịch vụ y tế chính là căn cứ để Bảo hiểm xã hội thanh toán, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có điều chỉnh để tính đúng, tính đủ vào năm 2018.
Đối với vấn đề quá tải bệnh viện, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn khẳng định Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải trên địa bàn. Song nhu cầu về y tế của người dân lớn nên bên cạnh việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Hà Nội cần tăng cường thực hiện xã hội hóa y tế.
Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để giải quyết căn bản và bền vững tình trạng quá tải; mở rộng diện tham gia bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và giảm chi phí cùng chi trả của người dân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện nay, dân số Hà Nội đa dạng, đông, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế chưa cao do dân di biến động lớn, nhiều người ngoại tỉnh làm ăn và sinh sống tại Hà Nội, do đó Trung ương cần xem xét đến tỷ lệ tham gia của Hà Nội và đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tăng số người tham gia bảo hiểm y tế.
Đối với vấn đề quá tải bệnh viện, Hà Nội cần tiếp cận và triển khai nhiều hơn các dịch vụ y tế chất lượng cao để phục vụ người dân.
Ý kiến bạn đọc