(VnMedia) - Theo qui luật tự nhiên ở người cao tuổi xảy ra sự thoái hóa sinh lí và bệnh lí của tất cả các hệ thống cơ quan như: tim mạch, nội tiết, cơ xương khớp, tình dục, thần kinh và tâm thần...
Ngày nay trên thế giới cũng như ở Việt Nam có hiện tượng già hóa về dân số. Một trong những lĩnh vực quan trọng được quan tâm chú ý trong chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi hiện nay là chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Người già rất dễ bị trầm cảm. Ảnh minh họa.
Theo tổ chức y tế thế giới, người trên 65 tuổi được coi là người già. Còn trong lâm sàng tâm thần, những người trên 45 tuổi bị trầm cảm có bệnh cảnh giống nhau và đều được coi là “người già”.
PGS.TS Bùi Quang Huy, Chủ nhiệm khoa Tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, triệu chứng, tỷ lệ bệnh, tiến triển, điều trị của trầm cảm ở người già về cơ bản thì giống như ở người trẻ, nhưng có mấy điểm khác biệt sau:
- Tỷ lệ bệnh trầm cảm ở người già rất cao, có đến 25% số phụ nữ trong độ tuổi từ 45 đến 65 là bị trầm cảm, tỷ lệ này ở đàn ông là 15%.
- Trầm cảm ở người già thường phối hợp với nhiều bệnh khác như đái tháo đường, cao huyết áp, u xơ tiền liệt tuyến, nhồi máu cơ tim… khiến cho bệnh trầm cảm trở lên phức tạp và khó điều trị hơn.
- Người già chịu thuốc kém người trẻ, họ có nhiều tác dụng phụ hơn nên liều thuốc chỉ nên bằng 1/2 của người trẻ. Do liều thuốc thấp nên bệnh chuyển biến chậm hơn, thường sau 3 tháng điều trị mới ổn định về cơ bản.
- Bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm ít kháng thuốc hơn so với người trẻ nên kết quả điều trị tuy xuất hiện chậm nhưng thường là tốt.
- Ở các bệnh nhân này, tình trạng trầm cảm là không hồi phục nên họ sẽ phải điều trị bằng thuốc chống trầm cảm suốt đời. Nếu họ bỏ thuốc điều trị củng cố thì bệnh chắc chắn sẽ tái phát.
- Trí nhớ gần rất kém, họ hay bỏ đâu quên đấy. Nhiều trường hợp nặng họ không nhớ nổi mình đã ăn cơm chưa, ăn cái gì. Trường hợp này gọi là mất trí giả (vì trí nhớ sẽ hồi phục khi được điều trị).
- Mất ngủ thường xuất hiện trong một thời gian rất dài mà không được để ý, họ luôn cho rằng người già thì ít ngủ. Họ vào giấc ngủ không quá khó, nhưng hay thức giấc sớm (khoảng 1-2 giờ sang), sau đó không ngủ lại được. Do thức giấc sớm, họ thấy đêm rất dài và rất khó chịu vì người xung quanh ngủ được.
- Chán nản và bi quan: Bệnh nhân thường nghĩ rằng mình đã già, đã vô dụng, không làm được tích sự gì nữa mà là gánh nặng cho gia đình. Họ càng bi quan thì nguy cơ tự sát và từ chối điều trị càng cao.
- Ý định và hành vi tự sát: Đây là triệu chứng rất hay gặp ở bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm. Lúc đầu họ nghĩ mất ngủ và mệt mỏi thế này thì chết mất. Sau đó họ lại nghĩ rằng hay mình chết quách đi cho con cháu và bản thân mình đỡ khổ. Dần dần, họ lập kế hoạch tự sát như viết thư tuyệt mệnh, tích trữ thuốc chữa bệnh để dùng tự tử.
- Bệnh nhân cao tuổi bị trầm cảm thường được phát hiện và điều trị muộn, họ thường tìm đến bác sỹ tim mạch (do đánh trống ngực, mạch nhanh), bác sỹ tiêu hóa (do đầy bụng, táo lỏng thất thường), bác sỹ thần kinh và đông y (do đau đầu, mất ngủ). Sau nhiều năm điều trị không kết quả họ mới chịu đến khám ở bác sỹ tâm thần.
- Thuốc điều trị nên kết hợp giữa thuốc chống trầm cảm mới (sertralin) và thuốc an thần mới (olanzapin) liều thấp. Bệnh nhân phải thường xuyên đến khám lại theo hẹn để được điều chỉnh liều thuốc và bắt buộc phải uống thuốc suốt đời.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm ở người cao tuổi
- Trầm cảm do stress như: bạn đời chết, cô đơn, xung đột nặng nề trong gia đình không giải quyết được, sự không hòa hợp giữa các thế hệ chung sống dưới một mái nhà, nhà ở chật chội, vật chất quá khó khăn, thay đổi nơi ở, bị cách li…
- Trầm cảm có thể xảy ra sau các bệnh cơ thể nặng như: tai biến mạch máu não, suy tim, suy thận, đái tháo đường
- Trầm cảm thứ phát do lạm dụng nghiện bia rượu…
- Trầm cảm do tác dụng phụ của các thuốc điều trị các bệnh nội khoa khác, thuốc điều trị bệnh tim mạch, tăng huyết áp…
- Trầm cảm trong các bệnh nội sinh có từ trước như: trầm cảm tái diễn, trầm cảm trong bệnh rối loạn cảm xúc lưỡng cực, trầm cảm thoái triển… Phát sinh theo chu kì hay tăng lên khi gặp stress.
Ý kiến bạn đọc