(VnMedia) - Ung thư cổ tử cung là một bệnh phổ biến trong các loại ung thư đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Hàng năm, thế giới có khoảng nửa triệu phụ nữ mắc mới ưng thư cổ tử cung.
Tại Việt Nam, mỗi ngày có chín phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung và ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 11 trường hợp tử vong.
Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao nhận thức về ung thư cổ tử cung tại Việt Nam” do Viện sức khỏe Sinh sản và Gia đình (RaFH) phối hợp với Quỹ Ung thư cổ tử cung Australia tổ chức ngày 18/3 tại Hà Nội.
Một trong những lý do khiến ung thư cổ tử cung phổ biến là phụ nữ chưa được sàng lọc định kỳ và chưa có hệ thống phát hiện sớm ung thư qua các xét nghiệm thích hợp và dễ tiếp cận; thậm chí ngay cả khi phụ nữ được phát hiện các tổn thương tiền ung thư thì cũng chưa được điều trị kịp thời và hiệu quả.
Ngoài ra, nhận thức của phụ nữ ở nhiều vùng nông thôn về tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư cổ tử cung còn hạn chế, tỷ lệ khám sàng lọc còn thấp và chủ yếu là thụ động; trong khi đó công tác tiêm phòng ngừa ung thư cổ tử cung chưa được triển khai rộng rãi tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết ung thư cổ tử cung đã cướp đi tính mạng của nhiều phụ nữ Việt Nam. Do vậy, h oạt động nâng cao nhận thức về căn bệnh ung thư nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng cho người dân, các cán bộ y tế là hết sức quan trọng. Hội thảo này là cơ hội để các đại biểu tham luận, chia sẻ kiến thức mới về sàng lọc và điều trị bệnh ung thư cổ tử cung tại Việt Nam; đồng thời đưa ra các bài học, khuyến nghị của địa phương để Chương trình phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư cổ tử cung đạt hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không có các triệu chứng. Hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức khi bạn gặp phải những triệu chứng ung thư cổ tử cung sau đây:
- Chảy máu âm đạo
- Đau lưng
- Đi tiểu bị đau hoặc khó khăn và nước tiểu đục
- Táo bón mãn tính và người bệnh luôn có cảm giác mót cầu, muốn đi đại tiện dù ruột không có gì
- Đau khi quan hệ tình dục và tiết dịch âm đạo
- Một chân bị sưng
- Rò rỉ nước tiểu hoặc phân qua ngả âm đạo
Biện pháp phòng ngừa
Hiện nay, virus gây bệnh bướu gai ở người (HPV: Human Papilloma Virus) được xác nhận là thủ phạm gây ra ung thư cổ tử cung. Quan hệ tình dục trước 18 tuổi, quan hệ với nhiều bạn tình, sinh đẻ nhiều, hút thuốc lá là những yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung.
Việc tiêm phòng hiệu quả nhất ở các bé gái và các bạn gái trong độ tuổi từ 10 – 26, chưa có sinh hoạt tình dục. Cần tiêm ung thư cổ tử cung 3 liều: liều thứ nhất, liều thứ 2 sau đó 2 tháng và liều thứ 3 sau liều đầu tiên 6 tháng. Tiêm chủng càng sớm hiệu quả càng cao. Ngoài ra, để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, các bạn gái nên sinh hoạt tình dục lành mạnh, không hút thuốc lá, nên thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.
Tầm soát ung thư cổ tử cung bằng cách phết tế bào cổ tử cung - âm đạo: Trên lý thuyết, chủng ngừa HPV giúp bạn phòng tránh 70% các trường hợp. Tuy nhiên, vẫn có thể có những trường hợp hiệu quả tiêm chủng không như mong muốn và còn 30% còn lại không liên quan đến HPV. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung cũng rất cần thiết đối với chị em phụ nữ.
Tầm soát là truy tìm ung thư cổ tử cung trong cộng đồng phụ nữ bình thường. Phương pháp tầm soát rất đơn giản và không gây đau đớn, lẫn sang chấn cho người phụ nữ : khám phụ khoa định kỳ và phết tế bào cổ tử cung - âm đạo để làm tế bào học.
Phương pháp phết tế bào này cho phép phát hiện những tế bào đã có bất thường nhưng chưa phải là tế bào ung thư, những tổn thương này được gọi tổn thương tiền ung thư. Phụ nữ đã quan hệ tình dục nên khám phụ khoa và thực hiện phết tế bào cổ tử cung - âm đạo ít nhất mỗi năm một lần để có thể phát hiện sớm những thay đổi ở mức độ tế bào này.
Ý kiến bạn đọc