Lọc màng bụng trong điều trị bệnh suy thận mạn tính

16:10, 18/03/2015
|

(VnMedia) - Bộ Y tế đang đẩy mạnh các hoạt động để phát triển kỹ thuật thuật lọc màng bụng trong điều trị bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối ở Việt Nam, nhằm giúp người bệnh tiếp cận kỹ thuật lọc màng bụng được thực hiện với chi phí thấp hơn mà vẫn có hiệu quả.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.

Đó là nội dung được nhấn mạnh trong bản ghi nhớ về hợp tác phát triển kỹ thuật lọc màng bụng ở Việt Nam giữa Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Đại diện Văn phòng Baxter Healthcare tại Việt Nam đã ký kết sáng 17/3, tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, tại Việt Nam số lượng người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối ngày càng gia tăng. Ước tính hiện nay có trên 80.000 người bệnh suy thận mạn tính giai đoạn cuối, trong khi nhu cầu của người bệnh được áp dụng các phương pháp điều trị thay thế thận ngày càng lớn.

Hiện nay, có ba phương pháp điều trị thay thế thận: chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng và ghép thận. Trong đó, chạy thận nhân tạo và ghép thận là các kỹ thuật y học chuyên sâu phải thực hiện ở các bệnh viện có năng lực chuyên môn giỏi, có trang thiết bị y tế hiện đại và quá trình điều trị rất tốn kém về kinh phí.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay tất cả các trung tâm thận nhân tạo trên toàn quốc đều bị quá tải, không đáp ứng nhu cầu lọc máu ngày càng tăng của người bệnh. Do vậy phương pháp lọc màng bụng liên tục ngoại trú tại nhà là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận vừa thuận lợi, vừa đảm bảo hiệu quả điều trị.

Theo Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Trần Quý Tường, phát triển kỹ thuật lọc màng bụng nhằm đa dạng hóa các kỹ thuật lọc máu ở nước ta, giúp cho người dân được tiếp cận dịch vụ lọc máu thuận lợi, dễ dàng hơn ngay tại tuyến y tế cơ sở, qua đó góp phần giảm quá tải về chạy thận nhân tạo ở các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh.

Thời gian tới, Cục Quản lý khám chữa bệnh đề nghị các bệnh viện căn cứ vào yêu cầu lọc màng bụng của người bệnh tại địa phương để khẩn trương triển khai kỹ thuật mới này.

Hiện nay có 28 trung tâm lọc màng bụng tại Việt Nam, đặc biệt là 3 trung tâm lớn tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện 115. Các trung tâm lọc màng bụng chuẩn thực hiện áp dụng tiêu chí điều trị theo các các nước trong khu vực như Hong Kong, Thái Lan.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc