Dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát cao

09:05, 18/03/2015
|

(VnMedia) - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm chiều 17/3, ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cảnh báo, thời gian tới dịch cúm gia cầm có nguy cơ phát sinh và lây lan.

Nguyên nhân là mùa lễ hội đầu năm và các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm tăng, cộng với nhiều người chăn nuôi tái đàn nuôi mới. Hiện toàn quốc có 1 ổ dịch cúm gia cầm tại tỉnh Vĩnh Long.

Theo báo cáo, hiện cả nước chỉ còn một ổ dịch cúm gia cầm tái phát tại xã Bình Phước, huyện Mang Thứ, tỉnh Vĩnh Long. Về dịch lở mồm long móng, các ổ dịch tại sáu hộ chăn nuôi ở xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai và các xã Đức Vân, Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Cạn vẫn chưa qua 21 ngày.

Kết quả lấy mẫu kiểm tra cho thấy, các ổ dịch cúm gia cầm vừa qua xảy ra trên đàn gia cầm tại một số hộ chăn nuôi ở khu vực Tây Nam bộ đều chưa được tiêm phòng vắc xin, dịch được phát hiện kịp thời và không có hiện tượng lây lan.

Các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm thời gian tới phải chuyển từ bị động sang chủ động, hướng tới giảm thiểu các loại bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm lây lan sang người…

Theo ông Thành, việc tiêm phòng phải biết được sự lưu hành virus trên đàn gia cầm ở địa phương, biết được vaccine nào có hiệu lực hiệu quả.

Ngày 6/3, Cục Thú y đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành thông báo về việc lưu hành các loại virus cúm gia cầm cũng như lở mồm long móng ở các địa phương, đồng thời thông báo về những vaccine có hiệu lực, hiệu quả để phòng chống các loại dịch bệnh đó. Đề nghị các địa phương căn cứ vào kế hoạch phòng chống dịch bệnh của mình và nguồn kinh phí mua các loại vaccine để tiêm phòng cho phù hợp. Ngoài ra, người chăn nuôi và các trang trại cũng tự mua các loại vaccine để tiêm phòng cho chủ động.

Theo Cục Thú y, các ổ cúm gia cầm H5N1 vừa qua xảy ra trên đàn gia cầm nuôi của một vài hộ gia đình ở khu vực Tây Nam Bộ chưa được tiêm phòng vacine cúm và đã được chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện, xử lý kịp thời nên không có hiện tượng lây lan.

Ảnh minh họa

 

Tình hình dịch bệnh cúm A(H7N9)

Theo thống kê từ 1/1/2015 đến ngày 10/3, Thế giới ghi nhận tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9), trong đó ít nhất 221 trường hợp tử vong (221/631 tỷ lệ 35%). Trong tổng số 631 trường hợp nhiễm cúm A(H7N9): Trung Quốc 628 trường hợp (bao gồm cả Đài Loan 04 trường hợp, Hồng Kông 13 trường hợp), Malaysia 01 trường hợp, Canada 02 trường hợp. 

 WHO theo dõi chặt chẽ tình hình dịch tễ, tiếp tục tiến hành đánh giá nguy cơ và thông báo thông tin mới nhất về cúm A(H7N9) tới Cơ quan Đầu mối IHR các quốc gia thành viên.

WHO đánh giá và khuyến cáo đối với cúm A(H7N9):

- Các trường hợp nhiễm cúm A(H7N9) sẽ gia tăng tại khu vực bị ảnh hưởng và các khu vực lân cận. Người từ khu vực bị ảnh hưởng khi đi du lịch có thể khởi phát và phát hiện bệnh ở quốc gia khác trong hoặc sau khi đến.

- Chưa có bằng chứng vi rút cúm A(H7N9) lây từ người sang người.

- Khách du lịch tới quốc gia có dịch cúm gia cầm cần:

Tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ gia cầm; Không nên tới khu vực giết mổ gia cầm;Không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi;

Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng;Luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành vệ sinh tốt;

Sau khi đi du lịch tới hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm gia cầm, cá nhân nào thấy xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp nghiêm trọng cần xem xét nghĩ tới nhiểm cúm A(H7N9).

Chưa cần sàng lọc đặc biệt tại cửa khẩu, không hạn chế thương mại và du lịch tới các quốc gia bị ảnh hưởng.

Các quốc gia tiếp tục tăng cường giám sát cúm, bao gồm giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng (SARI) và xem xét cẩn thận bất kỳ trường hợp nhiễm trùng hô hấp nào khác thường.

Duy trì năng lực cốt lõi, báo cáo theo quy định của IHR (2005) và đảm bảo chuẩn bị, sẵn sàng thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm của quốc gia.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc