Cảnh báo bệnh sốt xuất huyết đang gia tăng

19:11, 04/03/2015
|

(VnMedia) Theo báo cáo mới nhất của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 5.200 trường hợp mắc sốt xuyết tại 38 tỉnh thành trong đó có 3 ca tử vong.

So với cùng thời kỳ năm ngoái, số người mắc sốt xuất huyết tăng 27%, số tử vong tăng 2 ca. Riêng trong tháng 2, cả nước ghi nhận 3.640 ca trong đó có 3 trường hợp tử vong tại Đồng Nai và Long An.

Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết do chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu là diệt muỗi.

Cũng theo Bộ Y tế, thời tiết như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho một số dịch bệnh truyền nhiễm phát sinh, đặc biệt là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa như: sởi, rubella, cúm A/H5N1, cúm A/H1N1, tiêu chảy do virus rota, sốt xuất huyết (SXH), tay chân miệng (TCM)...

Thống kê trong tháng 2/2015, trên cả nước không ghi nhận ca mắc mới cúm A/H5N1 nhưng ghi nhận gần 3.800 trường hợp TCM, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hậu Giang. Như vậy, tích lũy từ đầu năm 2015, cả nước ghi nhận hơn 5.300 trường hợp mắc TCM với 2 trường hợp tử vong tại tỉnh Đồng Tháp và Hậu Giang. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc TCM trên cả nước giảm 11,1 % nhưng số tử vong lại tăng 1 trường hợp. Đáng lưu ý, số ca mắc SXH hiện đang gia tăng trong khi cho đến nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần lưu ý đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thường xuyên diệt loăng quăng, bọ gậy; thau rửa dụng cụ chứa nước. Mặt khác, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa… Trong tháng 3 này, Cục Y tế dự phòng tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế để có chỉ đạo kịp thời, không để dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam đặc biệt là bệnh Ebola, MERS-CoV, cúm A/H7N9 và không để các dịch bệnh trong nước như: TCM, SXH, sởi… bùng phát, đồng thời tổ chức đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các tỉnh, thành phố trọng điểm.

  Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa.


Các mức độ của bệnh sốt xuất huyết

 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo bệnh sốt xuất huyết xảy ra gồm 3 mức độ khác nhau là sốt xuất huyết, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết nặng.


Sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo gồm các triệu chứng lâm sàng của sốt xuất huyết đã nêu trên và kèm theo các dấu hiệu cảnh báo như vật vã, lừ đừ, li bì. Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng gan hoặc ấn đau vùng gan, gan to trên 2cm; nôn nhiều, xuất huyết niêm mạc, đi tiểu ít. Xét nghiệm cận lâm sàng thấy dung tích hồng cầu (hematocrite) tăng cao và tiểu cầu giảm nhanh chóng. Nếu người bệnh có những dấu hiệu cảnh báo trên phải theo dõi sát mạch, huyết áp, số lượng nước tiểu, làm xét nghiệm dung tích hồng cầu, tiểu cầu và có chỉ định truyền dịch kịp thời.


Sốt xuất huyết nặng xảy ra khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến tình trạng sốc giảm thể tích hay còn gọi là sốc sốt xuất huyết, có ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; có dấu hiệu xuất huyết nặng và suy tạng.


Sốc sốt xuất huyết có biểu hiện suy tuần hoàn cấp, thường xảy ra vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh với các triệu chứng như vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu bằng hoặc dưới 20mmHg, tụt huyết áp hay không đo được huyết áp; đi tiểu ít. Sốc sốt xuất huyết lại được chia làm 2 mức độ để điều trị bù dịch gồm sốc sốt xuất huyết có dấu hiệu như suy tuần hoàn, mạch nhanh, nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt; kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì và sốc sốt xuất huyết nặng có dấu hiệu sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được. Cần chú ý trong quá trình theo dõi diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng; vì vậy khi thăm khám phải phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có định hướng xử trí phù hợp.


Xuất huyết nặng được biểu hiện triệu chứng chảy máu cam nặng nên cần nhét gạc vào vách mũi để cầm máu, bị rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng; thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu ôxy mô và toan chuyển hóa, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng. Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như acetylsalicylic acid (aspirin); ibuprofen hoặc dùng thuốc corticoid; bệnh nhân có tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn tính.

 

Suy tạng nặng được biểu hiện các dấu hiệu suy gan cấp, men gan AST, ALT có thể bằng hoặc dưới 1.000U/L; suy thận cấp; rối loạn tri giác trong sốt xuất huyết thể não. Có thể viêm cơ tim, suy tim hoặc suy chức năng các cơ quan khác.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc