(VnMedia) - Tại Việt Nam chưa có số liệu thống kê chính thức song ước tính có khoảng 5 triệu người bị suy thận và hàng năm có khoảng 8.000 ca bệnh mới.
Ảnh minh họa. |
Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ tại buổi lễ kỷ niệm Ngày thận Thế giới và giới thiệu các kỹ thuật lọc máu hiện đại, được tổ chức sáng 12/3 tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Quốc Anh cho biết, hiện nay, số lượng bệnh nhân mắc suy thận đang chiếm 6,73% dân số Việt Nam, trong đó, những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối cần lọc máu chiếm 0.09% dân số, và chỉ 10% trong số đó được lọc máu, 90% còn lại đều tử vong.
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, những người mắc bệnh thận mãn tính sẽ tiến triển dẫn đến suy thận mãn tính, làm mất chức năng thận và phải dùng các biện pháp điều trị thay thế thận như lọc máu, ghép thận. Trong khi đó, đây là bệnh có thể kiểm soát được nếu như người bệnh phát hiện bệnh sớm và điều trị đúng.
Thống kê của Hội Thận học Thế giới cho thấy, trên thế giới có hơn 500 triệu người đang có vấn đề bệnh lý mãn tính ở thận. Nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý tại thận, tăng huyết áp và đái tháo đường.
Để nâng cao nhận thức trong cộng đồng nhằm phòng ngừa và chữa trị các bệnh về thận và điều trị các biến chứng do thận gây ra. Đó là các vấn đề về tiểu đường, tăng huyết áp, kiểm tra sức khỏe định kỳ, tổ chức các biện pháp phòng ngừa bệnh thận.
Dấu hiệu suy thận
Đa số các triệu chứng suy thận là không rõ rệt, thường gặp là mất cảm giác ngon miệng, choáng váng và nôn. Những triệu chứng này có thể xuất hiện khi mắc các bệnh: cảm cúm, ngộ độc thức ăn, thức ăn không hợp khẩu vị, thiếu chất đạm hay bị nhược cơ. Người cao tuổi, bị tiểu đường, tăng huyết áp hoặc gia đình có người bị bệnh thận là những yếu tố dễ bị suy thận.
Mệt mỏi, khó tập trung, giảm trí nhớ và mất ngủ... có thể do thiếu máu, do chức năng thận suy giảm nên không loại bỏ được các chất độc.
Có vị tanh trong miệng hoặc hơi thở hôi, choáng váng, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, sợ ăn thịt, khó tập trung, bị ngứa.
Phù ở mặt, chân hoặc tay, khó thở, hụt hơi.
Đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có bọt hoặc bong bóng, đi tiểu ra máu.
Thiếu máu: mệt mỏi, yếu sức, luôn thấy lạnh, khó thở, lú lẫn...
Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân suy thận như: ngứa ngoài da, có thể là do hàm lượng phospho và canxi trong máu cao.
Nguyên tắc vàng để phòng chống bệnh thận:
- Hoạt động thể lực phù hợp.
- Kiểm soát đường huyết.
- Theo dõi huyết áp.
- Chế độ ăn phù hợp và kiểm soát cân nặng.
- Uống lượng nước thích hợp.
- Không hút thuốc lá.
- Dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
- Kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.
Ý kiến bạn đọc