(VnMedia) - Theo Tổ chức Y tế thế (WHO), ngày 11/2, Cơ quan Đầu mối Điều lệ y tế quốc tế thông báo: Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và Y tế quốc gia Trung Quốc báo cáo cho WHO một trường hợp nhiễm cúm A(H5N6) tại nước này.
Ảnh minh họa.
Đó là bệnh nhân là nam 44 tuổi, sống ở Khu tự trị Tây Tạng, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc khởi phát triệu chứng: sốt, ho, sổ mũi vào ngày 27/01/2015; nhập viện ngày 3/2.
Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với chim hoang dã chết. Ngày 08/02/2015, mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A(H5N6). Cơ quan y tế tỉnh Vân Nam đã xác định trường hợp này nhiễm cúm A(H5N6). Đây là trường hợp nhiễm cúm A(H5N6) đầu tiên trong năm 2015 tại Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã tiến hành các biện pháp giám sát và kiểm soát sau:
- Thu thập và xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân và phân lập vi rút.
- Tiến hành điều tra dịch tễ học, theo dõi, giám sát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân.
- Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp không rõ nguyên nhân và thường xuyên giám sát trọng điểm cúm, tăng cường giám sát yếu tố gây bệnh cúm và cúm trên gia cầm.
WHO tiếp tục theo dõi chặt chẽ và thông tin kịp thời tình hình và đánh giá nguy cơ cúm A(H5N6). Cho đến nay, yếu tố nguy cơ liên quan tới vi rút cúm A(H5N6) trên gia cầm chưa có thay đổi.
Nhiều chủng cúm "rình rập" xâm nhập nước ta
Theo cảnh báo của Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế diễn biến dịch cúm gia cầm hiện nay vẫn rất phức tạp do thời tiết đông xuân là mùa của dịch cúm bùng phát. Nước ta đang đứng trước nguy cơ nhiều chủng vi rút cúm nguy hiểm xâm nhập, đặc biệt cúm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, bản đồ cúm A/H7N9 đang mở rộng từ biên giới phía Bắc xuống phía Nam nên nguy cơ vi rút cúm này lây lan ở đàn gia cầm, sau đó lây lan sang người là rất lớn. Ngoài cúm A/H7N9, cúm H10N8, H5N8, H5N2... cũng đang “lăm le” xâm nhập Việt Nam.
Trước nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn, Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 theo 4 tình huống dịch bệnh.
Vi người dân, ông Phu khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm, người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
"Người trở về từ nước, khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như: sốt, ho, đau ngực, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời", ông Phu Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết thêm.
Ý kiến bạn đọc