(VnMedia) - Bác sỹ Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đ ờm dãi bít tắc khiến trẻ khó thở, tạo môi trường cho vi trùng sinh sôi nảy nở, khiến bệnh ngày càng trầm trọng. Liệu pháp vỗ lồng ngực kết hợp với dẫn lưu tư thế giúp các chất xuất tiết ứ đọng trong phổi thoát ra ngoài, phổi thông thoáng và trẻ mau bình phục hơn.
Theo bác sỹ Thủy, phương pháp vật lý trị liệu này cũng phát huy tác dụng với các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp khác có kèm xuất tiết và ứ đọng đờm dãi (ví dụ viêm phế quản, viêm phế quản bít tắc...).
Đa số các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em đều do virus gây ra và không có thuốc đặc hiệu. Việc điều trị chủ yếu dựa vào chăm sóc đúng cách và giải quyết triệu chứng (sốt, ho, ngạt mũi...). Nếu được chăm sóc tốt, trẻ sẽ tự bình phục. Trái lại, chăm sóc không đúng cách có thể khiến đờm dãi đặc lại, gây bít tắc, tạo môi trường lý tưởng cho vi trùng sinh sôi nảy nở, khiến bệnh tiến sâu hơn và diễn biến trầm trọng hơn. Lạm dụng thuốc ức chế cơn ho cũng dẫn tới hậu quả tương tự.
Ho là phản xạ tự vệ của cơ thể khi có vật thể lạ xuất hiện trong đường hô hấp. Khi có hiện tượng xuất tiết, nên khuyến khích trẻ ho và chỉ dùng thuốc ức chế cơn ho khi trẻ quá mệt mỏi vì ho.
Liệu pháp vỗ lồng ngực gồm 3 bước: Đặt trẻ ở tư thế thuận lợi; Vỗ nhẹ nhàng đều đặn lên lồng ngực ; Hướng dẫn trẻ ho (trẻ lớn).
Vỗ lồng ngực:
Cần thực hiện vỗ khi trẻ đói, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Có thể tiến hành vỗ lồng ngực nhiều lần trong ngày. Chú ý hút đờm dãi khỏi mũi họng của trẻ trước và sau vỗ rung. Cởi bỏ quần áo bó chẽn khỏi người bệnh rồi đặt bé ở tư thế thích hợp (sẽ trình bày ở cuối bài). Tháo bỏ nhẫn, đồng hồ và vòng đeo tay của bạn.
Các bước vỗ lồng ngực giúp trẻ mau khỏi bệnh phổi:
- Phủ một tấm vải mỏng lên người bé (nếu bé cởi trần), tránh vỗ trực tiếp vào da.
- Gập bàn tay của bạn ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Khi vỗ vào lồng ngực, bạn sẽ nghe thấy âm thanh rỗng bồm bộp do khí bị kẹt giữa lòng bàn tay khum và lồng ngực gây ra. Nếu ânh thanh phát ra bèn bẹt, giống như khi vỗ tay, thì cần kiểm tra lại vì có thể bàn tay bạn cong chưa đủ. Vỗ đúng cách không hề gây đau.
Đồng thời, khi vỗ lồng ngực, bạn chỉ cần di chuyển cổ tay chứ không di chuyển cánh tay và vai. Vỗ bên trái rồi sang bên phải. Chú ý không vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống. Tiếp tục vỗ dứt khoát và đều đặn, nhưng không quá mạnh, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực.
Giúp trẻ ho
Ho làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu các cháu ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng ho thì chưa được vỗ tiếp. Thực hiện các bước sau:
- Cho trẻ ngồi dậy, đầu ngả nhẹ về phía trước.
- Hít vào.
- Mở miệng và thót cơ bụng để ho thật sâu, không ho ở cổ họng.
- Hít vào lần nữa
- Tiếp tục ho cho tới khi khạc được đờm ra ngoài.
- Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ có thể dùng máy hút đờm dãi ra khỏi hầu họng.
Những lưu ý khi vỗ lồng ngực cho trẻ:
- Ho không dứt: Ngừng vỗ lồng ngực, chỉ làm lại khi trẻ dở thở.
- Buồn nôn; Để trẻ nghỉ một lát. Nếu trẻ nôn thì phải kết thuc buổi tập ngay. Chú y vỗ khi dạ dày rỗng. Khuyến khích trẻ nhổ ra đờm, không nuốt vào.
- Đau: kiểm tra tay bạn có khum tay không hay để tay bẹt.
- Khó thở: Ngừng vỗ, trẻ ngồi dậy, khi trẻ thở bình thường trở lại thì tiếp tục vỗ.
- Khóc: Dùng các trò để dụ trẻ ngừng khóc vì trẻ khó có thể nằm im được thời gian lâu.
- Chong mặt: Ngừn vỗ để trẻ thư giản, vỗ lại khi trẻ hết chóng mặt,
- Trào ngược dạ dày thực quản: dịch axít của dạ dày trào ngược vào thực quản, gây ợ chua. Tránh để trẻ nằm đầu thấp hơn mình.
Ý kiến bạn đọc