Những bệnh liên quan tới bệnh Gout

06:51, 26/02/2015
|

(VnMedia) - Bệnh Gout là một bệnh khớp do rối loạn chuyển hóa purin ở người, nguồn gốc từ việc tăng tiêu hủy các acid nhân của các tế bào và/hoặc giảm bài xuất acid uric qua thận, gây tăng acid uric trong máu, mà hậu quả là gây các đợt viêm khớp cấp, gây các tophy, gây sỏi thận, gây suy thận.

>>>Bệnh gout "tấn công" cả phụ nữ

Biểu hiện của bệnh gout

- Thường gặp ở nam giới (trên 95%), khỏe mạnh, mập mạp
- Thường bắt đầu vào tuổi 35 đến 45.
- Khởi bệnh đột ngột, diễn biến từng đợt, giữa các đợt đau các khớp hoàn toàn khỏi (những năm đầu)
- Vị trí bắt đầu thường là các khớp ở chi dưới, đặc biệt ngón bàn chân (70%)
- Tính chất sưng nóng đỏ đau dữ dội, đột ngột ở một khớp, không đối xứng và có thể tự khỏi sau 3 - 7 ngày. Ở giai đoạn muộn biểu hiện ở nhiều khớp, có thể đối xứng, xuất hiện những u cục (tophy) ở nhiều nơi đặc biệt quanh các khớp. Trong giai đoạn cấp có thể kèm các dấu hiệu toàn thân như: sốt cao, lạnh run, đôi khi có dấu màng não (cổ cứng, ói...)
- Có thể có các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu... kèm theo.

  Ảnh minh họa



Ảnh minh họa.

Dưới đây là một số bệnh liên quan đến bệnh gout

Béo phì

Độ tuổi trung niên và cơ địa béo phì là hai yếu tố nguy cơ của các bệnh rối loạn chuyển hóa như gout, tăng mỡ máu, đái tháo đường, xơ vữa động mạch…Hội chứng chuyển hóa gồm các bệnh trên đang là một xu hướng bệnh tật phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay do một chế độ dinh dưỡng “quá dư thừa”.

Có sự liên quan giữa trọng lượng cơ thể và nồng độ acid uric máu. Béo phì làm tăng tổng hợp acid uric máu và làm giảm thải acid uric niệu, kết hợp của cả 2 nguyên nhân gây tăng acid uric máu. Theo các thống kê gần đây, 50% bệnh nhân gout có dư cân trên 20% trọng lượng cơ thể.

Tăng mỡ máu

Sự kết hợp giữa tăng mỡ máu và tăng acid uric máu đã được xác định. Có đến 80% người  tăng mỡ máu có sự phối hợp của tăng acid uric máu, và khoảng 50 %-70% bệnh nhân gout có kèm tăng mỡ máu.

Ở bệnh nhân gout, ngoài sự rối loạn của thành phần mỡ máu, người ta còn nhận thấy có sự rối loạn của cholesterol, một loại lipoprotein có lợi, có tính bảo vệ đối với cơ thể.

Sự liên quan giữa gout và rối loạn lipid máu chính là một phần của hội chứng chuyển hoá bao gồm tăng BMI, béo phì vùng bụng, tăng mỡ máu, giảm HDL, tăng huyết áp, tiểu đường, tình trạng đề kháng insulin và nguy cơ bị bệnh mạch vành. Tăng acid uric máu kết hợp với béo phì vùng bụng là nhóm nguy cơ cao của bệnh tim mạch có liên quan đến sự đề kháng insulin.

Tăng huyết áp

Tăng acid uric máu được phát hiện ở 22 – 38 % bệnh nhân tăng huyết áp không được điều trị. Tỉ lệ bệnh gout trong dân số tăng huyết áp là 2 –12 %. Mặc dù tỉ lệ tăng acid uric máu tăng ở đối tượng tăng huyết áp nhưng không có sự liên quan giữa acid uric máu và trị số huyết áp. Có 25–50 % bệnh nhân gout có kèm tăng huyết áp, chủ yếu ở các bệnh nhân béo phì. Nguyên nhân gây nên mối liên hệ giữa bệnh gout và tăng huyết áp hiện nay chưa được biết rõ.

Xơ mỡ động mạch

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ rõ mối liên quan giữa gout và xơ mỡ động mạch. Tuy vậy tăng acid uric máu không phải là yếu tố nguy cơ trực tiếp của bệnh mạch vành. Tăng huyết áp, tiểu đường, xơ mỡ động mạch liên quan nhiều đến tình trạng béo phì hơn là liên quan đến sự tăng acid uric máu. ở bệnh nhân gout, các yếu tố nguy cơ của bệnh mạch vành như tăng huyết áp, béo phì, đề kháng insulin, tăng mỡ máu góp phần làm tăng sự liên quan giữa acid uric máu và xơ mỡ động mạch. Các yếu tố nguy cơ này tự nó làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch, và như vậy, acid uric máu chỉ gián tiếp làm tăng nguy cơ đột tử do bệnh tim mạch thông qua việc kết hợp với các bệnh lý có nguy cơ cao nói trên.

Chế độ ăn uống cho bệnh nhân gout

TS.BS. Lê Anh Thư Hội Thấp khớp học Việt Nam đã đưa ra lời khuyên về chế độ ăn uống đối với bệnh gout:

Không nên:

- Không uống nhiều rượu mạnh.
- Không ăn các thức ăn chứa nhiều purine như: phủ tạng động vật: tim, gan, thận, lá lách, óc..., hột vịt, gà lộn, trứng cá, cá trích, cá đối, cá mòi. Không ăn mỡ động vật, không ăn đường.

Nên

- Các loại rau xanh, trái cây tươi.
- Uống nhiều nước, nước khoáng có bicarbonate, nước sắc lá xakê.
-
Các loại ngũ cốc.
- Sữa, trứng.
- Chế độ sinh hoạt
- Chống béo phì.
- Tăng cường vận động.
-
Tránh stress, tránh gắng sức, tránh lạnh đột ngột…

Trong đa số trường hợp, chế độ ăn uống góp phần điều trị cho bệnh Gout và các bệnh kèm theo (cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu…) chứ không thể thay được thuốc. Thực hiện tốt chế độ ăn uống có thể giảm bớt số lượng thuốc, số loại thuốc cần dùng, giảm bớt các hậu quả xấu của bệnh.

Chế độ ăn uống được sử dụng để thay thế thuốc trong một số ít trường hợp, người bệnh không dùng được các thuốc làm hạ acid uric (dị ứng thuốc, suy thận, suy gan…).


Phạm Minh

Ý kiến bạn đọc