(VnMedia) - Trước diễn biến bất thường của dịch sởi, PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), lo ngại dịch sởi có thể bùng phát, khó kiểm soát như đầu năm 2014 .
Ông Phu cho biết, hiện đang là thời điểm giao mùa đông xuân nên trẻ em rất dễ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, trong đó có bệnh sởi. Ngày Tết cũng là dịp các gia đình giao lưu, thăm hỏi nhau nên càng tạo điều kiện cho virus sởi phát tán và trẻ dễ bị nhiễm bệnh.
Do vậy, nếu các bà mẹ không biết giữ gìn sức khỏe, để trẻ mắc bệnh đúng vào những ngày tiêm chủng, trẻ sẽ không được tiêm đúng lịch thì nguy cơ mắc bệnh sởi cũng như các bệnh có vắc-xin khác sẽ tăng lên mà đáng lẽ phòng tránh được bằng tiêm vắc-xin.
Sởi là bệnh rất dễ lây, nếu trẻ nào chưa được tiêm vắc-xin sởi đủ mũi hoặc chưa có miễn dịch với sởi đều có thể mắc. Do đó, nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc sởi trong dịp Tết Nguyên đán là rất lớn.
Ảnh minh họa.
Đảm bảo tất cả các trẻ khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi
Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 123 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 35 ca dương tính. Những trẻ bị mắc bệnh đều không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi trong mùa Đông – Xuân, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh triển khai thực hiện Kế hoạch phòng chống bệnh sởi năm 2014 – 2015 của Bộ Y tế; chỉ đạo việc thực hiện tiêm vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hàng tháng, đảm bảo tất cả các trẻ khi đủ 9 tháng tuổi được tiêm vắc xin sởi, tránh tình trạng bị mắc bệnh sởi do tiêm vắc xin muộn; đồng thời rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm vắc xin sởi hoặc tiêm chưa đầy đủ trên phạm vi toàn thành phố; lưu ý địa bàn có di biến động dân cư, khó quản lý đối tượng.
Bên cạnh đó, thành phố tổ chức tiêm vét, không để sót đối tượng; tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, phân tuyến điều trị bệnh nhân, hạn chế việc chuyển bệnh nhân lên bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết để tránh lây nhiễm trong bệnh viện, thực hiện tốt việc phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực riêng khám, điều trị, cấp cứu bệnh nhân mắc sởi, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong.
Thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại cộng đồng; kịp thời lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định; hướng dẫn người bệnh thực hiện các biện pháp cách ly chủ động, hạn chế sự lây lan, đồng thời triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về nguy cơ mắc bệnh sởi và các biện pháp phòng chống để người dân chủ động và tự giác phòng tránh; tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đầy đủ và đúng lịch, không chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ.
Đồng thời, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá về tỷ lệ tiêm, công tác đảm bảo an toàn tiêm chủng cũng như các hoạt động sẵn sàng thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân nhằm đáp ứng kịp thời khi có dịch xảy ra.
Ý kiến bạn đọc