(VnMedia) - Giò, chả là một món ăn phổ biến không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt ngày Tết. Tuy nhiên, giò, chả có chứa hàn the sẽ có ảnh hưởng rất xấu tới sức khỏe con người. Vậy làm thế nào để nhận biết được giò, chả có chứa hàn the?
Thực tế, nhiều người sản xuất đã nghĩ ra nhiều cách để làm ra khoanh giò to, ngon với giá thành giá thành rẻ hơn. Chính vì vậy, người nội trợ hãy là người tiêu dung thong thái, chuẩn bị cho mình những kiến thức cơ bản cũng như những mẹo nhỏ trong việc chọn mua giò, chả.
Ảnh minh họa.
Cách nhận biết giò chả có chứa hàn the :
Dùng giấy tẩm nghệ: Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ. Có thể tự sản xuất giấy nghệ để phát hiện nhanh hàn the. Giã nhỏ nghệ, ngâm trong cồn từ 3 - 4 giờ, sau đó gạn lấy dung dịch nghệ. Tiếp đến ngâm giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 1 giờ. Sau đó, vớt ra để se mặt và ngâm tiếp giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 1- 2 giờ rồi vớt ra phơi khô trong gió. Cắt nhỏ thành từng miếng (1,5 - 2cm) đựng trong hộp kín dùng dần.
Muốn thử xem thực phẩm bánh đúc, giò chả,… có hàn the không, bạn có thể lấy miếng giấy nghệ ấn vào bề mặt sản phẩm thử, ví dụ như giò. Nếu mặt giò quá khô, bạn có thể tẩm ướt nhẹ giấy nghệ bằng dung dịch acid loãng trước khi đặt vào bề mặt giò. Sau một phút quan sát, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ thì kết luận giò có hàn the.
- Giò lụa ngon khi cắt ra sẽ có màu trắng ngà hơi ngả sang màu hồng nhạt, chả ngon có màu vàng tự nhiên của thịt rán. Miếng giò không hàn the sẽ mịn, cảm giác hơi ướt khi cắt ra. Bề mặt có nhiều lỗ rỗ. Do lớp không khí được bọc trong thịt xay để làm giò, khi luộc chín, lớp khí ấy sẽ tìm cách thoát ra, tạo ra những lỗ nhỏ.
Chả ngon có vỏ hơi sần sùi. Lớp chả bên trong mềm, mịn, có nhiều lỗ rỗ nhỏ giống như giò lụa ngon. Nếu không có lớp lỗ rỗi này thì chả đã bị pha bột. Nếu giò lụa bị pha thêm bột khi cắt ra sẽ không thấy có nhiều lỗ nhỏ trên bề mặt. Giò sống ngon sẽ được làm từ thịt nạc ngon, khi được nghiền thịt sẽ quánh dẻo lại, có màu hồng của thịt được xay nhuyễn.
- Giò ngon có mùi thơm thoang thoảng của thịt hòa quyện với mùi lá gói. Chả ngon có mùi thơm nhẹ. Nếu là chả quế, sẽ có mùi thơm thoảng thoảng của quế, rất ngon.
Giò không ngon Có vị thơm nồng vì được tẩm các chất phụ gia hương vị thịt. Nếu thấy một cây giò có mùi ôi, thiu, lá gói khô, cũ, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ qua ngay lập tức.
- Giò ngon có vị thơm ngọt, hơi giòn, mềm mềm, không dai giòn bất thường, không có cảm giác khô rắn, không bị bã và cũng không bị bở. Chả ngon, khi ăn không bị nát, không bở mà cũng không quá khô cứng. Giò pha hàn the giò sẽ giòn, dai, mịn bất thường. Giò pha bột sẽ không có mùi thơm, giò quá bở và không có lỗ rỗ trên bề mặt.
Chả pha bột sẽ rất bở, ăn không còn vị béo ngậy đặc trưng của thịt và bề mặt cũng không có lỗ rỗ, giòn, dai bất thường cũng như rất thơm.
Tác hại của hàn the
Hàn the hay còn gọi là băng sa, borax... có gốc hóa học là Natritetraborat. Đây là tinh thể không màu, có vị chua và hơi đắng, có thể hòa tan được trong nước và rượu. Các nghiên cứu về y học cho thấy nếu sử dụng nhiều hàn the sẽ có một số tác hại sau:
- Ở mức độ thấp: sử dụng 3-5g/ngày: kém ăn, khó chịu toàn thân.
- Ở mức độ cao: trên 5g/ngày: gây chậm lớn, tổn thương gan, teo tinh hoàn, giảm cân.
Khi xâm nhập vào cơ thể, sau khi được bài tiết, lượng hàn the sẽ tích tụ khoảng 15%. Như vậy nếu sử dụng thực phẩm có chứa hàn the trong nhiều ngày thì cơ thể sẽ tích lũy một lượng hàn the nguy hiểm như sử dụng thực phẩm có chứa nhiều hàn the một lần. Vì lý do đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Nông lương thế giới (FAO) đã lên án gay gắt hành vi dùng hàn the trong chế biến thực phẩm.
Ý kiến bạn đọc