Cứu sống bé gái 11 tháng tuổi xuất huyết tiểu cầu nặng

21:40, 09/02/2015
|

(VnMedia)   - Theo tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, trong tuần qua khoa Hồi sức tích cực bệnh viện tiếp nhận một cháu gái Ng. G. B. N 11 tháng tuổi, ngụ tại quận 3 thành phố Hồ Chí Minh. Cháu bé sốt 2 ngày, chảy máu mũi, ói ra máu, nhập bệnh viện Nhi đồng 1.

Bs. Nguyễn Minh Tiến - Trưởng khoa Hồi sức tích cực & Chống độc cho biết, ban đầu các bác sĩ nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết, tuy nhiên xét nghiệm test nhanh chẩn đoán sốt xuất huyết kết quả âm tính, xét nghiệm công thức máu bình thường, số lượng tiểu cầu bình thường, xét nghiệm chức năng đông máu cũng bình thường.

Trong khi đó diễn tiến bệnh trẻ phức tạp chảy máu mũi 2 bên không tự cầm, nên được nhét meche mũi cầm máu, xuất hiện biến chứng xuất huyết phổi gây suy hô hấp, xuất huyết tiêu hóa ói ra máu, tiêu phân đen. Trẻ được đặt nội khí quản giúp thở, truyền máu.

Xét nghiệm đánh giá chức năng tiểu cầu ghi nhận độ tập trung tiểu cầu kém, giảm chức năng tiểu cầu. Trẻ được chẩn đoán liệt tiểu cầu và được truyền tiểu cầu đậm đặc nhằm cung cấp những tiểu cầu có chức năng bình thường để cầm máu.

Kết quả sau hơn 1 tuần điều trị tình trạng trẻ cải thiện dần, trẻ được cai máy thở, tỉnh táo, bú được. Đây là một trong những trường hợp bệnh hiếm gặp, khó chẩn đoán ở giai đoạn đầu của bệnh, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác nên quí phụ huynh cũng như bác sĩ lâm sàng cần chú ý nhiều hơn để có thể chẩn đoán sớm dạng bệnh lý này.

Ảnh minh họa

Trẻ  Ng. G. B. N được chăm sóc và theo dõi tại khoa Hồ sức Tích cực
Bệnh viện Nhi đồng 1


Những hiểu biết về xuất huyết giảm tiểu cầu

Xuất huyết giảm tiểu cầu (XHGTC) là tình trạng bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Đặc điểm của nhóm bệnh này là tình trạng xuất huyết ở da, niêm mạc, có thể kèm theo chảy máu ở mũi, chân răng, ống tiêu hóa, tiết niệu hoặc ở các cơ quan nhu mô như phổi, não,... do giảm số lượng tiểu cầu ở máu ngoại vi.

Có nhiều nguyên nhân gây ra giảm tiểu cầu nhưng tập trung nằm ở hai nhóm nguyên nhân lớn sau đây: Tăng phá hủy tiểu cầu ở máu ngoại vi; giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương.

Trong nhóm đầu tiên lại có rất nhiều bệnh khác nhau như: đông máu trong lòng mạch cấp tính và mạn tính gây tiêu thụ lớn tiểu cầu, các u máu lớn ở các vị trí khác nhau của cơ thể, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm virut nặng gây giảm tiểu cầu... hoặc các bệnh có kháng thể kháng lại tế bào máu như tan máu tự miễn kèm theo giảm tiểu cầu, bệnh lupus ban đỏ... Trong nhóm này phải kể đến bệnh XHGTC tiên phát mà ngày nay nhiều người gọi đó là xuất huyết giảm tiểu cầu tự miễn mà chúng ta sẽ nói nhiều sau đây.

Trong nhóm thứ 2, gồm một số bệnh lý ở tủy gây giảm các mẫu tiểu cầu như bệnh suy tủy toàn bộ, suy một dòng mẫu tiểu cầu hay các bệnh ác tính ở tủy xương như ung thư di căn tủy, lơxêmi cấp... khi đó giảm tiểu cầu là tình trạng thứ phát do các bệnh chính gây ra.

XHGTC tiên phát là bệnh hay gặp ở trẻ em hơn. Gần đây người ta đã chứng minh được cơ chế miễn dịch của bệnh khi tìm thấy các kháng thể kháng lại tiểu cầu. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi của trẻ em nhưng có thể phân thành 2 nhóm khác biệt: ở trẻ nhũ nhi và trẻ lớn.

Biểu hiện của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bệnh thường có khởi phát từ từ kín đáo với sự xuất hiện của các nốt xuất huyết chấm đỏ hoặc bầm tím, hoặc xuất huyết do xây xước nhẹ trên da, không kèm theo sốt, thiếu máu, sưng hạch hoặc các biểu hiện toàn thân khác. Các nốt xuất huyết có thể nằm ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, thường là không có tính chất đối xứng ở hai chi. Các nốt hoặc mảng tụ máu có thể tự nhiên xuất hiện hoặc do va đập nhẹ, thường là ở chân tay, mặt. Những vết cào xước nhẹ ở cổ, thân mình, chân tay cũng gây ra những dải xuất huyết. Rất ít khi bệnh biểu hiện chảy máu nặng ngay từ đầu như chảy máu mũi, chân răng, xuất huyết tiêu hóa, tiểu ra máu.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc