Bí quyết để không bị ngộ độc rượu?

08:55, 21/02/2015
|

(VnMedia) - Rượu, bia được coi là đồ uống không thể thiếu trong mỗi dịp liên hoan, cưới hỏi,... đặc biệt là khi Tết đến. Trong những ngày này lượng rượu, bia tiêu thụ nhiều hơn, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn.

Nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm như: uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây) hoặc ngâm với động vật (như mật, phủ tạng…).

Uống rượu lâu ngày dẫn đến nghiện rượu, sút cân, chán ăn, ỉa chảy do tổn thương gan và ruột; da, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu; thoái hóa gan, xơ gan, có thể ung thư gan; nhồi máu cơ tim, mất trí nhớ, run, rối loạn tinh thần…

Phụ nữ mang thai uống nhiều rượu có thể gây sinh non, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, tinh thần, trí tuệ của đứa trẻ, gây ngộ độc cho thai nhi.

Để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, Cục An toàn thực phẩm đã đưa khuyến cáo đối với người dân:

- Không uống cồn công nghiệp và rượu có hàm lượng Methanol > 0,1% vì có thể gây mù mắt và tử vong.

- Không uống rượu nồng độ từ 30 độ trở lên vượt quá 30ml/người/ngày.

- Không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân.

- Không uống rượu khi: Không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, khi đang đói, mệt hoặc đang uống thuốc điều trị.

- Trẻ em dưới 16 tuổi không được uống rượu bia.


Ảnh minh họa

Ngày Tết việc uống rượu bia là điều khó tránh khỏi. Ảnh minh họa.



Tăng cường phòng, chống tác hại của đồ uống có cồn

Để ngăn ngừa ngộ độc rượu trong dịp Tết, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Theo  đó, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị phổ biến, quán triệt các nội dung của Chính sách quốc gia cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tại cơ quan, đơn vị mình; đồng thời, tổ chức phát động xây dựng cơ quan, đơn vị không lạm dụng đồ uống có cồn, ký cam kết giữa cơ quan, đơn vị với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong việc thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, tại nơi làm việc, trong bữa ăn giữa hai buổi trong ngày làm việc và ngày trực. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động không sử dụng đồ uống có cồn trước và trong khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Cán bộ, nhân viên y tế có trách nhiệm tuyên truyền, tư vấn cho người bệnh về tác hại và biện pháp giảm tác hại của đồ uống có cồn; trong đó chú trọng tư vấn, dự phòng cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ và người bệnh đang sử dụng đồ uống có cồn; tham gia tuyên truyền cho người dân tại cộng đồng về phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong toàn ngành tổ chức triển khai thực hiện Chính sách quốc gia tại cơ quan, đơn vị với những nội dung như: đưa nội dung phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn vào kế hoạch hoạt động hàng năm; thực hiện nghiêm quy định cấm sử dụng đồ uống có cồn; đưa quy định về cấm sử dụng đồ uống có cồn vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị và tổ chức giám sát thực hiện; không xét tặng các danh hiệu thi đua, khen thưởng và có các hình thức xử lý theo quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, thường xuyên để xảy ra tình trạng vi phạm quy định của Chính sách quốc gia. ...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc