(VnMedia) - PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong dự phòng và hỗ trợ điều trị bệnh sởi và thủy đậu thì dinh dưỡng đúng cách để giúp nâng cao hiệu quả của tiêm phòng cũng như khi bị bệnh là rất quan trọng. Cần nâng cao sức đề kháng cơ thể bằng ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung hợp lý các vitamin và khoáng chất.
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, cả hai bệnh sởi và thủy đậu, dinh dưỡng đúng cách có thể giúp nâng cao hiệu quả của tiêm phòng cũng như khi bị bệnh là rất quan trọng.
Chế độ ăn nâng cao miễn dịch trong giai đoạn mắc bệnh sởi và thủy đậu:
- Chế độ ăn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm cung cấp chất bột đường, chất đạm, chất béo, giàu vitamin – khoáng chất thiết yếu.
- Ăn đa dạng thực phẩm : 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày.
- Thức ăn chế biến dạng lỏng, hay mềm, theo sở thích của từng bệnh nhân.
- Nên bổ sung các dạng siro, hay dạng cốm đa vitamin- khoáng chất cho trẻ em, hay viên đa vitamin khoáng chất cho người lớn giúp cho nâng cao miễn dịch, mà trong thành phần các sản phẩm dinh dưỡng này cần có các thành phần như vitamin A, E, C, kẽm, selen…, trong đó quan trọng hơn cả là vitamin A, C và kẽm.
Bổ sung vitamin A, C và kẽm để phòng và điều trị bệnh sởi, thủy đậu?
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, vitamin A, C và kẽm đều là những vi chất quan trọng giúp nâng cao miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, tăng cường sức đề kháng và chống lại các bệnh nhiễm khuẩn như sởi, thủy đậu, rubella…
Vitamin A: Vitamin A là loại vitamin tan trong chất béo, có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, đặc biệt là có tác dụng tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virút như sơi, thủy đậu…
Khi trẻ bị bệnh sởi hay thủy đậu, uống bổ sung vitamin A được coi là điều trị hỗ trợ, với liều lượng như sau:
- Trẻ < 6 tháng: uống 50.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
- Trẻ 6 -12 tháng: uống 100.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
- Trẻ > 12 tháng và người lớn: uống 200.000 đơn vị/ ngày x 2 ngày liên tiếp
Trường hợp có biểu hiện thiếu vitamin A: lặp lại liều trên sau 4-6 tuần.
Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm khuyến cáo nên sử dụng nguồn thực phẩm giàu vitamin A trong các bữa ăn. Thức ăn có nguồn gốc động vật có nhiều vitamin A hay retinol tốt nhất, hầu hết ở dạng retinil ester. Vì gan là nơi dự trữ vitamin A, nên gan có thành phần retinol cao nhất. Chất béo từ thịt và trứng cũng chứa một lượng vitamin A đáng kể.
Nguồn tiền vitamin A (Beta-carotene) có từ một số sản phẩm động vật như sữa, kem, bơ và trứng. Các thức ăn nguồn gốc thực vật có nhiều tiền vitamin A như các loại củ quả có màu vàng/đỏ, các loại rau màu xanh sẫm, dầu cọ và các loại dầu ăn khác.
Kẽm: Kẽm có vai trò quan trọng, cần cho phát triển và duy trì hoạt động hiệu quả của hệ thống miễn dịch, cần thiết cho việc bảo vệ cơ thể trước bệnh tật, làm vết thương mau lành. Thiếu kẽm sẽ làm tổn thương chức năng miễn dịch, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virút từ đó làm giảm tăng trưởng, phát triển của trẻ, làm tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng và tử vong ở trẻ.
Nên bổ sung cho trẻ dạng siro kẽm, hay dạng cốm có kẽm, (cho trẻ nhỏ), hay dạng viên cho trẻ lớn và người lớn.
Liều bổ sung kẽm: 10mg kẽm/ngày cho trẻ < 6 tháng, và 20 mg/ngày x 14 ngày cho trẻ > 6 tháng. Người lớn có thể dùng bổ sung 20-30mg/ngày trong thời gian mắc sở hay thủy đậu.
Lựa chọn thực phẩm có nhiều kẽm : Thức ăn nhiều kẽm là tôm đồng, lươn, hàu, sò, gan lợn, sữa, thịt bò, lòng đỏ trứng, cá, đậu nành, các hạt có dầu (hạnh nhân, hạt điều, đậu phộng..), đậu xanh nảy mầm cũng nhiều kẽm và dễ hấp thu. Với trẻ nhũ nhi, để có đủ kẽm, nên cố gắng cho bú sữa mẹ vì kẽm trong sữa mẹ dễ hấp thu hơn nhiều so với sữa bò
Vitamin C có chức năng chống lại dị ứng, làm tăng chức năng miễn dịch.
Vitamin C có nhiều trong các loại quả chín như: Cam, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu… và các loại rau.
Khi trẻ bị bệnh nên cho trẻ uống nước quả chín (từ 1-2 cốc/ngày) để cung cấp đủ lượng vitamin C, giúp nâng cao miễn dịch.
Ý kiến bạn đọc