25 tỉnh, thành phố có bệnh nhân nghi mắc sởi

06:47, 12/02/2015
|

(VnMedia ) - Ngày 11/2, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện nay tình hình bệnh sởi vẫn diễn biến phức tạp, từ đầu năm 2015 đến nay cả nước ghi nhận 123 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 25 tỉnh thành phố, trong đó có 35 trường hợp xét nghiệm dương tính với sởi.

Ảnh minh họa

 

Để tăng cường kiểm soát bệnh dịch, đặc biệt là phòng chống lây nhiễm sởi tại các bệnh viện, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh vừa có văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác điều trị bệnh sởi.

Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng y tế các ngành, giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tổ chức sàng lọc, phân luồng, phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ/mắc sởi ngay tại khu vực tiếp nhận ban đầu.

Các đơn vị trên cần phân công điều dưỡng có kinh nghiệm tiếp đón, sàng lọc người bệnh ngay tại nơi tiếp đón, phát hiện những trường hợp nghi mắc sởi để hướng dẫn ngay vào buồng khám sởi tại khoa khám bệnh; Xây dựng quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh sởi/nghi ngờ sởi tại khu vực khám bệnh và được để sẵn tại nơi tiếp nhận, thăm khám.

Để phòng chống lây nhiễm bệnh, các đơn vị bố trí đơn vị thu nhận người bệnh sởi và nghi ngờ mắc sởi riêng biệt tại Khoa Truyền nhiễm và các đơn vị cách ly của các khoa lâm sàng khác trước khi có chẩn đoán xác định sởi.

Nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện…

Triệu chứng bệnh sởi

Khoảng 10 tới 12 ngày sau khi tiếp xúc với siêu vi sởi, những triệu chứng sau đây có thể xẩy ra:
- Sốt
- Ho khan
- Chảy nước mũi
- Mắt đỏ
- Không chịu được ánh sáng
- Những nốt nhỏ xíu với trung tâm mầu xanh trắng xuất hiện bên trong miệng nơi gò má. Những nốt này có tên là đốm Koplik.
-. Người mọc ra những đốm đỏ lớn, phẳng, chập vào nhau

Bệnh sởi thường bắt đầu với một cơn sốt khá nhẹ, kèm theo những triệu chứng như ho, chảy mũi, mắt đỏ và đau cổ họng. Khoảng 2, 3 ngày sau, đốm Koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi. Sau đó, bệnh nhân có thể bị sốt cao. Cùng lúc đó, những mảng đỏ nổi lên, thường là ở trên mặt, theo đường tóc và sau tai. Những vết đỏ hơi ngứa này có thể dấn lan xuống ngực, lưng và cuối cùng xuống tới đùi và bàn chân. Khoảng một tuần sau, những vết nhỏ này sẽ nhạt dần, vết nào xuất hiện trước sẽ hết trước.

Nguyên nhân gây bệnh

- Lây qua đường hô hấp.
- Lây trực tiếp khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyến…
- Lây gián tiếp ít gặp vì virus sởi dễ bị diệt ở ngoại cảnh.

Bệnh sởi gây ra do siêu vi sởi. Bệnh này hay lây đến nỗi 90% những người tiếp xúc với bệnh nhân sẽ bị lây sởi nếu chưa chích ngừa. Siêu vi sởi có ở mũi và cổ họng của bệnh nhân.

Họ thường có thể lây bệnh cho người khác 4 ngày trước khi vết đỏ xuất hiện. Khi bệnh nhân ho, hắt xì, hay nói chuyện, những giọt nước nhỏ xíu có chứa siêu vi sẽ bắn ra không khí và người khác có thể hít vào hoặc những giọt này có thể rơi xuống một nơi nào đó như mặt bàn, điện thoại…Khi ta sờ vào những nơi này và đưa tay lên mũi hay miệng, ta sẽ bị lây bệnh. Một khi siêu vi sởi vào cơ thể bệnh nhân, chúng thường mọc vào trong những tế bào đằng sau cổ họng và phổi. Sau đó bệnh sẽ lan khắp cơ thể kể cả hệ hô hấp và da.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc