(VnMedia) - Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận rải rác vài ca mắc sởi và phát ban dạng sởi.
Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ... bệnh có thể gặp ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh, có thể gây thành dịch. Theo các bác sĩ, sởi là bệnh lành tính, tùy từng bệnh nhân mà diễn biến nặng hay nhẹ, tuy nhiên thời dịch dễ bùng phát vào thời điểm đầu mùa xuân, do vậy dự báo trong thời gian tới số ca mắc sởi sẽ tăng cao.
Các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo, khi trẻ có biểu hiện sốt; phát ban dạng sởi, bắt đầu từ mặt sau đó lan dần xuống chân, tay; kèm theo viêm kết mạc mắt; viêm long đường hô hấp thì phụ huynh nên cách ly trẻ ở nhà; chăm sóc, dinh dưỡng thật tốt; hạ sốt, nằm nơi thoáng mát, tránh gió lùa. Nếu trẻ sốt cao liên tục, khó thở, tiêu chảy mất nước, ho nhiều, có viêm phổi, suy hô hấp... nên đưa đến bệnh viện để tránh biến chứng.
Ảnh minh họa. |
Theo đại diện Bộ Y tế, hiện tại các tỉnh biên giới của nước Lào, dịch sởi đang tăng cao cả về số ca bệnh và tử vong, do vậy nguy cơ quay trở lại nước ta hoàn toàn có thể xảy ra. Ngoài ra, tại khu vực biên giới của Trung Quốc, bệnh sởi đã xuất hiện cách đây 3 năm và hiện nước này vẫn chưa hoàn toàn khống chế được bệnh này.
Phụ huynh không muốn tiêm phòng sởi cho con
Sau vụ hàng loạt học sinh ngất xỉu, nôn ói sau khi tiêm phòng sởi nhiều phụ huynh không muốn con tiêm phòng sởi. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh cho biết, không thể bắt buộc các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm phòng. Song, nếu không tiêm phòng cho trẻ, trong điều kiện sởi đang lưu hành như hiện nay, các cháu rất dễ mắc khiến bệnh lây lan trong cộng đồng.
Giải pháp tốt nhất phòng bệnh sởi hiện nay vẫn là tiêm phòng. Nếu tiêm phòng thất bại, sẽ rất khó phòng dịch sởi. Năm 2014, Hà Nội xuất hiện dịch sởi với số mắc cao so với các năm trước. Bệnh nhân sởi có tại 30/30 quận huyện và 390/584 xã phường, với 1.694 ca mắc, 14 ca tử vong.
Ý kiến bạn đọc