(VnMedia) - TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam.
Theo TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.
Nhiễm Rotavirus gây tử vong 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng (SDD). SDD và tiêu chảy tạo thành một vòng xoắn bệnh lý: tiêu chảy dẫn đến SDD và khi trẻ bị SDD lại có nguy cơ bị tiêu chảy cao, gây ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng của trẻ và là gánh nặng về kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Ảnh minh họa.
Lứa tuổi nào dễ mắc tiêu chảy do rotavirus?
TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà cho biết, lứa tuổi hay mắc tiêu chảy do Rotavirus là nhóm trẻ từ 6 tháng đến 36 tháng. Nhiễm rotavirus có thể gặp ở trẻ sơ sinh và người lớn nhưng thường không có triệu chứng.
Ở Việt Nam , tại mien bắc tỷ lệ mắc tiêu chảy do virus rota tăng cao vào mùa đông xuân, đỉnh điểm từ tháng 9-11 trong khi đó ở miền Nam bệnh không phụ thuộc theo mùa.
Virus rota chủ yếu lây truyền qua đường phân-miệng, ngoài ra virus có thể lây qua đường hô hấp. Virus rota có thể lây ngoài cộng đồng hoặc lây chéo trong bệnh viện. Trẻ dưới 3 tháng ít bị bệnh vì có sẵn kháng thể của mẹ truyền cho.
Các yếu tố nguy cơ
- Trẻ bú bình không đảm bảo vệ sinh, nguy cơ tiêu chảy cao gấp nhiều lần so với trẻ bú mẹ hoàn toàn hoặc không bú bình.
- Ăn bổ sung không đúng cách: cho trẻ ăn thức ăn nấu để lâu ở nhiệt độ phòng, thức ăn bị ô nhiễm trước và sau khi chế biến.
- Nước uống không sạch (không đun sôi hoặc để lâu), hoặc nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm.
- Dụng cụ, tay người chế biến thức ăn bị nhiễm bệnh.
- Xử lý chất thải đã nhiễm bệnh không đúng cách, quan niệm phân trẻ em không bẩn như phân người lớn.
- Không có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn…
Dấu hiệu khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus
Triệu chứng thường xuất hiện sau giai đoạn ủ bệnh 2-3 ngày và kéo dài khoảng 5-7 ngày. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể từ không triệu chứng đến tiêu chảy mất nước nặng có thể dẫn đến tử vong.
Rotavirus gây viêm dạ dày ruột rất đặc trưng bởi sự xuất hiện đột ngột của các triệu chứng tiêu chảy phân nước, sốt và nôn.
Nôn và đi ngoài phân tóe nước là 2 đặc điểm lâm sàng thường gặp trong viêm dạ dày ruột cấp do rotavirus mà ít thấy trong các căn nguyên khác. Thông thường trẻ khởi phát bệnh với triệu chứng nôn và sốt sau đó là tiêu chảy tóe nước nhiều lần trong ngày có thể kéo dài đến 10 ngày.
Phân thường không có nhày máu. Hầu hết những trẻ phải nhập viện vì tiêu chảy do rotavirus có cả 3 triệu chứng tiêu chảy, nôn và sốt.
Sốt là biểu hiện khá phổ biến của trẻ nhiễm Rotavirus. Kết quả từ các nghiên cứu trong nước và trên thế giới cho thấy hầu như tất cả các bệnh nhân tiêu chảy cấp do Rotavirus có sốt trong đó gần 50% các trường hợp có biểu hiện sốt nhẹ dưới 38,5 độ C.
Nên tiêm phòng cho trẻ trước 6 tháng tuổi
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tiêu chảy do Rotavirus có tính lây nhiễm rất cao và không thể phòng ngừa được bằng các biện pháp thông thường như rửa tay đúng cách, cung cấp nước sạch hay cải thiện vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, đây là bệnh đã có vắc-xin để phòng ngừa. Vì thế, các bậc cha mẹ có con dưới 6 tháng tuổi nên gặp bác sĩ từ lần khám đầu tiên tại các bệnh viện sản, nhi hoặc các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để được tư vấn về uống vắc-xin phòng ngừa cho con. Nên cho trẻ uống từ 6 tuần tuổi và hoàn tất phác đồ chủng ngừa này trước 6 tháng tuổi.
Ý kiến bạn đọc