Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Quyết liệt việc giảm tải bệnh viện"

07:06, 22/01/2015
|

(VnMedia) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Y tế cần thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh, tiếp tục bổ sung tiêu chí đánh giá bệnh viện và hướng dẫn điều trị, đẩy mạnh cải cách hành chính và quyết liệt hơn trong việc giảm tải bệnh viện.

Ngày 21/1 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2015 và phương hướng công tác giai đoạn 2016-2020. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2014 đã hoàn thành 2 chỉ tiêu Quốc hội giao, đạt 23 giường bệnh trên 1 vạn dân và giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn dưới 15,5%, đồng thời đạt 16/18 chỉ tiêu Chính phủ giao; đặc biệt bước đầu đạt được kết quả tốt trong việc giảm tải bệnh viện.

Năm 2015, ngành Y tế đề ra 12 chương trình công tác lớn, trong đó trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng bệnh viện, bố trí ngân sách và sử dụng 15% số tiền khám bệnh để đầu tư nâng cấp khu vực khám bệnh và tăng thêm số giường bệnh góp phần giảm tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép; tăng cường giáo dục đạo đức nghề nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của đường dây nóng, tiếp tục cải cách thủ tục khám bệnh; phấn đấu đến tháng 6 tới tất cả các bệnh viện đều phải có hệ thống phát số tự động, bố trí đầy đủ ghế ngồi chờ cho người bệnh. Toàn ngành đổi mới cơ chế tài chính tiến tới tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, phát triển bảo hiểm y tế toàn dân.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, ngành y tế sẽ chủ động, quyết liệt đối phó với dịch bệnh mới nổi và dịch xâm nhập từ bên ngoài. Chung tay giảm tải bệnh viện vì sự hài lòng của người bệnh. Cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho người dân, quyết liệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Kiểm tra, thanh tra xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, nhân viên y tế vi phạm, sau đó chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không bưng bít thông tin.

Quyết liệt giảm tải bệnh viện 

Ảnh minh họa

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năm 2014 mặc dù có rất nhiều khó khăn nhưng ngành Y tế đã rất nỗ lực và có kết quả khá rõ nét trên nhiều lĩnh vực góp phần làm nhân dân có lòng tin hơn, kể cả nhìn vào những bất cập của ngành với thái độ chia sẻ, cảm thông hơn.

Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần thực hiện tốt hơn công tác khám chữa bệnh, tiếp tục bổ sung tiêu chí đánh giá bệnh viện và hướng dẫn điều trị, đẩy mạnh cải cách hành chính và quyết liệt hơn trong việc giảm tải bệnh viện.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2015, bên cạnh việc thực hiện giảm quá tải bệnh viện, ngành y tế cần tiếp tục rà soát các nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện như còn hay không còn tình trạng khó khăn trong thanh toán bảo hiểm, về chủ trương đầu tư máy móc trang thiết bị hoặc do các bệnh viện không chấp nhận kết quả xét nghiệm của nhau dẫn đến tình trạng người bệnh phải khám lại, gây tốn kém tiền của và thời gian...

Đặc biệt, Phó Thủ tướng còn yêu cầu, công tác đào tạo trong lĩnh vực y tế cần được chú trọng hơn nữa, Bộ cần có những đánh giá về chất lượng cán bộ y tế; phối hợp với với các Bộ, ngành liên quan đẩy mạnh, đổi mới công tác giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực y tế. Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương cùng chung sức vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế, bởi theo Phó Thủ tướng, một hệ thống bảo hiểm y tế bền vững và lành mạnh sẽ góp phần tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân - vốn quý giá nhất của con người.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý các cơ sở y tế cần đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và dịch vụ y tế phải ngang nhau, thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế. Ngành y tế sẽ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế với mục tiêu không giảm chi ngân sách mà quan trọng là phải đảm bảo cho mọi người dân có quyền được chăm sóc dịch vụ y tế tốt nhất và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu các địa phương tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế, góp phần chia sẻ những khó khăn với ngành y tế.

Còn nhiều thách thức

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong năm 2014, ngành Y tế đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong công tác khám chữa bệnh, các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú, số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật đều tăng từ 15 - 20% so với năm trước.

Nhiều kỹ thuật mới trong y học đã được áp dụng thành công tại Việt Nam và đã trở thành thường quy một số kỹ thuật chuyên sâu đạt ngang tầm các nước trong khu vực như kỹ thuật ghép tạng, kỹ thuật mổ nội soi, ứng dụng rô bốt trong phẫu thuật, thụ tinh trong ống nghiệm...
Trong công tác phòng, chống dịch, ngành duy trì công tác giám sát dịch tễ thường xuyên, tăng cường giám sát tại các cửa khẩu nhằm phát hiện các trường hợp dịch bệnh xâm nhập, ngăn chặn không để các dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết do vi rút Ebola, MERS-CoV, dịch hạch, cúm A (H7N9), cúm A (H5N6) xâm nhập vào nước ta.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng chỉ rõ những thách thức, tồn tại hiện nay của ngành y tế như ​nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng tăng cao, mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại, các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương thích ngày càng tăng, các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường trước quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng và cơ cấu dân số đã có sự thay đổi lớn, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Hệ thống các cơ sở cung ứng dịch vụ y tế chưa đáp ứng yêu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp, phân bố giường bệnh chưa cân đối giữa các vùng miền, số giường bệnh các chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi… còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật.

Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế chưa phù hợp, lương và phụ cấp cho cán bộ y tế quá thấp, không tương xứng với thời gian học tập, công sức lao động, môi trường lao động, điều kiện làm việc vất vả, nhất là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Hiện tượng sử dụng thuốc chưa hợp lý vẫn còn xảy ra, bán thuốc không theo kê đơn còn diễn ra phổ biến, tỷ lệ sử dụng kháng sinh còn cao. Mặc dù tỷ trọng thuốc, trang thiết bị sản xuất trong nước có tăng nhưng vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra, chưa tương xứng với khả năng của các doanh nghiệp...


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc