Những trường hợp được nhờ người mang thai hộ

21:13, 07/01/2015
|

(VnMedia)   - Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đã chính thức cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, mở ra hy vọng cho những trường hợp hiếm muộn. 

Luật Hôn nhân và gia đình quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, hiện nay, tỷ lệ thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt Nam thành công khoảng 35%, nhưng với mang thai hộ thì tỷ lệ thành công dự đoán sẽ cao hơn nhiều.


Ảnh minh họa

Mang thai hộ. Ảnh minh họa.

Ba bệnh viện được thực hiện
 
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Bộ chỉ cho phép 3 cơ sở y tế từng thực hiện thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ, đại diện ở 3 khu vực Bắc - Trung - Nam, gồm: Bệnh viện (BV) Phụ sản T.Ư (Hà Nội), BV Đa khoa T.Ư Huế và BV Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh).
 
Nhiều ý kiến cho rằng, mang thai hộ không khó về kỹ thuật, cả nước có hơn 20 cơ sở được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, trong khi nhu cầu của người dân rất lớn, vì sao Bộ Y tế chỉ cho phép 3 cơ sở thực hiện? Lý giải vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, mang thai hộ có những liên quan phức tạp, rất nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ của nhiều người (đứa trẻ, người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ).  Mặt khác, nhu cầu mang thai hộ không nhiều so với nhu cầu thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm nên chưa cần thiết phải cho phép tất cả các cơ sở y tế cùng làm.
 
Việc có cho phép mang thai hộ hay không sẽ do một Hội đồng độc lập đánh giá, dựa trên các hồ sơ về tình trạng bệnh lý không thể mang thai tự nhiên của người nhờ, quan hệ họ hàng giữa người nhờ và người mang thai hộ, điều kiện sức khỏe của người mang thai hộ…
 
Ba trường hợp được nhờ người mang thai hộ
 
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế quy định điều kiện chặt chẽ cho trường hợp mang thai hộ nhằm ngăn chặn sự biến tướng, thương mại hóa việc này, tránh tình trạng đẻ thuê, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
 
Theo quy định, có 3 trường hợp được nhờ người mang thai hộ, đó là những người bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa và những người mắc các bệnh lý nội khoa được chỉ định không nên mang thai.
 
Theo đó, người mang thai hộ phải đủ các điều kiện: Là thân thích cùng họ hàng của người nhờ (vợ hoặc chồng), từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần, ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền. Trường hợp người mang thai hộ đã có gia đình thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.


Minh Hải

Ý kiến bạn đọc