(VnMedia) - Phẫu thuật nội soi nhi khoa bằng robot, ghép tế bào gốc đồng loại, ứng dụng san hô trong điều trị viêm tai giữa, trường hợp đầu tiên thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Bạch Mai, điều trị ung thư bằng công nghệ hạt,... Đó là những thành tựu nổi bật của ngành Y tế trong năm 2014.
Phẫu thuật nội soi nhi khoa bằng robot
Tháng 3/2014, Bệnh viện Nhi Trung ương đã chính thức đưa vào hoạt động “Trung tâm phẫu thuật nội soi nhi khoa” có ứng dụng robot. Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước và khu vực Đông Nam Á áp dụng kỹ thuật này.
Tính đến thời điểm này đã có hơn 50 trường hợp được phẫu thuật nội soi bằng robot và không có ca nào bị nhiễm trùng hay biến chứng. Hệ thống phẫu thuật robot này có rất nhiều ưu điểm so với phẫu thuật nội soi. Thứ nhất hệ thống tầm nhìn 3D, giúp nhìn rất rõ các cấu trúc giải phẫu cũng như các mạch máu do vậy thao tác phẫu thuật rất chính xác. Thêm vào đó cổ tay của robot có thể hoạt động được 540 độ, với góc phẫu thuật này thì không cổ tay con người nào có thể đạt tới do vậy có thể luồn lách tới những phẫu trường nhỏ hẹp và ít sang chấn, cũng như vậy thì bệnh nhân sẽ đỡ đau sau mổ, giảm chảy máu, rất là an toàn.
Việc đưa công nghệ phẫu thuật nội soi bằng robot vào ứng dụng tại Bệnh viện nhi Trung ương đã tạo điều kiện cho các cháu được thụ hưởng những thành tựu trong y học hiện đại mà không phải ra nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay chi phí cho một ca phẫu thuật như thế khá cao, từ 50 đến 80 triệu đồng, vì thế hy vọng sớm có điều chỉnh về chính sách bảo hiểm y tế để ngày càng nhiều bệnh nhi được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao.
Ghép tế bào gốc đồng loại thành công
Tại viện Huyết học - truyền máu TƯ đã thực hiện ghép tế bào gốc tự thân cho 18 bệnh nhân bị bệnh đa u tủy xương, u lympho không hodgkin và ghép tế bào gốc tạo máu đồng loại cho 4 trường hợp bị bệnh lơxêmi giai đoạn cuối.
Th.S.BS Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng viện Huyết học truyền máu TƯ cho hay, ung thư máu chiếm khoảng 50% trong các bệnh về máu. Ngày trước bệnh nhân ung thư máu thường điều trị hóa chất liều cao, liều càng cao thì hiệu quả càng tốt, nhưng nó là con dao 2 lưỡi, có thể tốt đối với người khỏe mạnh, nhưng cũng có thể gây tử vong với người yếu. Việc ghép tề bào gốc giúp giảm tác dụng phụ và vẫn đạt tối đa tác dụng chính. Đặc biệt, nếu bệnh nhân ung thư máu chỉ điều trị hóa chất liều cao thì có thể kéo dài sự sống thêm 5 năm đạt 30%, còn dùng phương pháp này thì bệnh nhân sống được thêm 5 năm đạt 60%.
Nếu ghép tự thân thì không thể chắc chắn được các tế bào đó sẽ khỏe mạnh bởi chính họ là những người bệnh. Còn ghép đồng loại, sẽ tìm thấy tế bào gốc khỏe mạnh. Tuy nhiên, cái khó trong phương pháp này là phải phù hợp với bệnh nhân. Gia đình càng nhiều anh chị em ruột thì khả năng phù hợp càng cao.Việc gạn tách tế bào gốc từ máu ngoại vi khá đơn giản, người cho chỉ cần tiêm G-CSF sau 3-4 ngày là có đủ lượng tế bào gốc để gạn tách.
Tuy nhiên, tìm được người cho có tế bào gốc hòa hợp với tế bào gốc của người nhận (trùng hợp 6 nhóm gen chính) vô cùng khó khăn bởi trong khoảng 10.000 trường hợp chỉ có 4 trường hợp có tế bào gốc hòa hợp các chỉ số và có thể ghép được (trừ trường hợp sinh đôi cùng trứng, anh em ruột thịt). Việc chuyển tế bào gốc từ người cho đến người bệnh cũng khá đơn giản, giống như truyền máu, sau 2 giờ là xong.
Điều đáng lo nhất của phương pháp là bệnh nhân ghép có thể bị phản ứng ghép chống chủ (cơ quan nhận thấy mảnh ghép vào là những phản ứng lạ nên chống lại). Khi đó bệnh nhân thậm chí có thể tử vong, vì vậy lựa chọn chỉ định để thành công là 50/50.
Chi phí cho mỗi ca ghép tế bào gốc đồng loại chữa ung thư máu khoảng 500 triệu đồng. Sau khi ghép, bệnh nhân uống thuốc đều đặn, 6 tháng đầu bệnh nhân tới khám 2 tuần/lần; 6 tháng sau khám 1 tháng/lần; những năm sau thì khám 1 năm/lần.
Ứng dụng san hô điều trị viêm tai giữa
Việc ứng dụng san hô sinh học trong phẫu thuật đã mở ra một hướng mới trong điều trị bệnh viêm tai giữa. Với phương pháp phẫu thuật tái tạo tai giữa một thì bằng san hô sinh học VN” được thực hiện ở Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM.
Trước đây, khi kỹ thuật điều trị chưa tiến bộ, chúng ta điều trị viêm tai giữa chủ yếu là mổ loại trừ bệnh tích, bằng cách khoét bỏ bộ phận bị bệnh, rồi để lại khoảng trống.
Cách này gây bất lợi cho người bệnh sau mổ như: thính lực giảm, ù tai, chóng mặt, phải đến BV thường xuyên để được chăm sóc. “Từ năm 2009, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM đã phối hợp với Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bắt đầu ứng dụng dùng san hô sinh học VN trong phẫu thuật điều trị bệnh ở tai, đặc biệt là viêm tai giữa mạn tính Cholesteatoma (một dạng bệnh nặng) thường gặp ở VN”. Với sự thành công của nghiên cứu này mỗi ca mổ, chi phí riêng cho san hô sinh học chỉ vài trăm ngàn đồng, thấp hơn rất nhiều so với dùng vật liệu ngoại nhập.
Hiện nay, Bệnh viện Tai Mũi Họng vẫn tiếp tục hợp tác với Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch để làm ra keo sinh học tự thân (làm từ máu của người bệnh), dùng keo này để kết dính, định hình khối san hô ghép vào cơ thể tốt hơn, đẹp hơn... để đang hướng tới tái tạo tai giữa một thì, nghĩa là từ khâu mổ lấy bệnh tích, tái tạo cấu trúc đến phục hồi chức năng... làm cùng lúc trong một ca mổ, để giảm chi phí, thời gian đi lại cho người bệnh.
Bệnh viện Bạch Mai thụ tinh trong ống nghiệm thành công
Bé trai Nguyễn Chí Thành ra đời hôm 16/12, con của vợ chồng anh Nguyễn Văn Hạnh (45 tuổi) và chị Đặng Thị Nhan (44 tuổi) ở Hải Phòng, là em bé đầu tiên ra đời nhờ thụ tinh trong ống nghiệm tại đơn vị hỗ trợ sinh sản, khoa sản Bệnh viện Bạch Mai.
Theo chị Nhan, chị đã điều trị vô sinh từ 18 năm nay và đã hai lần đi thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công. Rất may mắn lần này bé Thành trở thành trường hợp thành công đầu tiên.
Bệnh viện Bạch Mai là cơ sở y tế thứ 20 ở Việt Nam có đơn vị hỗ trợ sinh sản. Trong 10 tháng kể từ khi triển khai kỹ thuật đến nay, đã có trên 20 cặp vợ chồng hiếm muộn đậu thai nhờ hỗ trợ của các bác sĩ tại đây.
Trong đó, có một gia đình mà người vợ đã 45 tuổi và đã làm thụ tinh trong ống nghiệm sáu lần, một phụ nữ người nước ngoài đã đi thụ tinh trong ống nghiệm ở cả châu Âu và châu Á nhưng chưa thành công...
Tỉ lệ vô sinh ở VN vào khoảng 7,7%, tỉ lệ thành công nhờ hỗ trợ sinh sản tại các cơ sở y tế đầu ngành khoảng 35-50%.
Điều trị ung thư bằng công nghệ hạt
Điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ có kích thước nhỏ, những hạt này sẽ được đưa vào động mạch gan đến đúng vị trí nuôi khối u. Những hạt này phát ra tia bức xạ beta với tên gọi là hạt vi cầu phóng xạ Y-90.
Khi hạt vi cầu đến khối u sẽ phát tia phóng xạ và tiêu diệt tế bào ung thư. Tia bức xạ từ hạt vi cầu cũng đồng thời sẽ khiến việc lưu thông dẫn máu vào bị cản trở, nghẽn tắc làm cho khối u bị tiêu diệt.
Đây là phương pháp điều trị vi cầu phóng xạ chọn lọc, các tế bào ung thư gan được tiêu diệt chọn lọc nhất, còn các tế bào lành xung quanh được bảo vệ an toàn nhất”. Đây là kỹ thuật khó, trên thế giới chỉ có một số nước có thể làm được. Ở Việt Nam, hiện có 2 bệnh viện thực hiện thành công là Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.
Tuy nhiên, để thực hiện phương pháp này cần có sự phối hợp nhiều chuyên ngành về ung thư, y học hạt nhân, điện quang can thiệp... và hệ thống máy móc thiết bị hiện đại. Hiện nay chi phí điều trị bằng phương pháp này khá cao trong khi bảo hiểm y tế vẫn chưa thanh toán.
Mở đường dây nóng, phản ánh tiêu cực
Năm 2014, Bộ Y tế công bố đường dây nóng của 75 bệnh viện trên địa bàn Hà Nội nhằm chấn chỉnh thái độ nhân viên y tế. Bộ Y tế tiếp nhận hàng nghìn cuộc gọi của người dân, trong đó phần nhiều phàn nàn về thái độ của y, bác sỹ.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị, xử lý nghiêm những cán bộ khiến người dân bức xúc về tinh thần thái độ phục vụ chưa tốt, ứng xử chưa phù hợp.
Ý kiến bạn đọc