(VnMedia) - BS Trần Thu Thủy, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, máy khí dung hô hấp được sử dụng khá phổ biến trong nhi khoa.
Các chỉ định chính bao gồm: trẻ có cơn hen cấp tính, suy hô hấp, thở rít thanh quản, cần làm loãng đờm trước khi thực hiện lý liệu pháp, trẻ không có khả năng sử dụng bình xịt định liều, thuốc cần dùng chưa có dạng bình xịt định liều, cần dùng kháng sinh dạng hít liều cao để điều trị hoặc kiểm soát tình trạng nhiễm trùng dai dẳng.
Đối với bệnh hen phế quản ở trẻ em, các nghiên cứu gần đây cho thấy, máy khí dung không hiệu quả hơn so với bình xịt định liều dùng kèm buồng đệm.
Các bác sĩ tai mũi họng thường chỉ định liệu pháp khí dung điều trị các bệnh viêm mũi, viêm xoang hoặc viêm họng (dùng máy khí dung tai mũi họng).
Cách dùng khí dung cho trẻ
Theo BS Trần Thu Thủy, khi khí dung hô hấp, trẻ đeo mặt nạ hoặc ngậm ống thở miệng và hít thở khoảng 5-10 phút cho tới khi hết thuốc. Bé không thể ngồi thẳng hoặc không hợp tác sẽ không nhận đủ liều thuốc chỉ định. Nếu mặt nạ nằm cách mặt bé 1,2 cm thì một nửa lượng thuốc sẽ không tới được phổi. Tỷ lệ thuốc bị thất thoát sẽ lên tới 80% nếu để mặt nạ cách mặt 2,5 cm.
Ảnh minh họa.
Dưới đây là một số lưu ý giúp việc khí dung tại nhà hiệu quả:
Khuyến khích trẻ ngồi thẳng người khi khí dung
- Thời điểm thích hợp: Điều này đặc biệt quan trọng, nhất là với trẻ dưới 2 tuổi. Thời điểm thích hợp nhất để khí dung là khi trẻ đang ngủ hay tại thời điểm yên tĩnh trong ngày. Tránh thời gian ngay trước hoặc ngay sau bữa ăn hoặc thời điểm có quá nhiều hoạt động trong gia đình.
-Yên tĩnh: Việc điều trị thường kéo dài 5-10 phút, tối đa là 15 phút. Trong thời gian này, trẻ cần tập trung hít thở sâu để thuốc có thể đi vào phổi. Môi trường náo động khiến trẻ nhấp nhổm muốn đứng dậy tham gia, như vậy trẻ sẽ rất khó tập trung để thở.
- Mặt nạ kích thước phù hợp: Mặt nạ phải có kích thước phù hợp và được đặt ngay ngắn trên mặt bệnh nhi, nếu không phần lớn các giọt sương sẽ không đi vào mũi hay đường thở. Nếu có thể thì nên sử dụng ống thở miệng thay cho mặt nạ khi khí dung kháng sinh hoặc corticoid để đề phòng thuốc thoát ra không khí, đồng thời giảm thiểu lượng thuốc lắng đọng ở mặt của trẻ.
- Kiểm tra loại thuốc và liều thuốc trước khi khí dung: Luôn đọc lỹ tên thuốc và chỉ sử dụng loại thuốc cũng như liều thuốc mà bác sĩ chỉ định. Thuốc giãn phế quản salbutamol có thể gây một số tác dụng phụ lớn như đau ngực, co thắt phế quản, lo lắng cực độ, tăng huyết áp, gây đau ở chân hoặc khiến trẻ thở hụt hơi.
- Thư giãn và bình tĩnh: Trẻ nhỏ thường khó ngồi yên suốt thời gian khí dung, điều này có thể khiến bạn nổi cáu với con. Cha mẹ nên cố gắng thư giãn trước khi khí dung cho con và duy trì sự bình tĩnh trong suốt thời gian điều trị. Thay vì nổi cáu với con, hãy cố gắng tập trung sự chú ý của trẻ vào thứ gì đó hấp dẫn hơn, để bé khỏi lo lắng về chiếc mặt nạ trên mặt mình. Cho bé xem cuốn truyện yêu thích, đặt bé vào lòng và cùng bé chơi một trò chơi đặc biệt dành riêng cho thời gian khí dung. Với trẻ lớn có thể cho bé đọc truyện, nghe nhạc qua tai nghe hoặc 'dụ' bé bằng một chơi trò chơi nhẹ nhàng trên điện thoại. Tivi không phải giải pháp hay vì tiếng máy khí dung sẽ át hết tiếng tivi từ xa.
- Không tự ý cho trẻ dùng khí dung: Một số cha mẹ nghĩ rằng càng khí dung nhiều thì bé càng chóng khỏi bệnh. Họ tự mình lên lịch khí dung cho con và tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình đề ra. Điều này có thể dẫn tới quá liều và phụ thuộc thuốc, gây tổn hại lâu dài cho phổi. Cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc cần khí dung và lịch khí dung.
- Tránh để trẻ dựa dẫm để ra điều kiện với bố mẹ: Nếu đã quen với việc khí dung trong một thời gian dài, trẻ có thể bắt đầu dựa dẫm vào đó. Khí dung có thể là điều đầu tiên trẻ làm mỗi khi bắt đầu thấy khó thở hoặc muốn thu hút sự chú ý của bố mẹ. Trẻ cũng có thể viện cớ này để thoát không bị mắng. Để tránh cái bẫy này, cha mẹ không nên để trẻ tự ý quyết định khi nào nên khí dung.
Ý kiến bạn đọc